tưởng niệm




Nhung nhớ khôn nguôi...

--- Nguyenuthang ---


TTO - Thỉnh thoảng theo dõi những bài hát thiếu nhi trên ti vi, tôi tìm được cho mình những phút thư giãn nhẹ nhàng cho tâm hồn. Hôm nay, nghe lại bài Em là bông hồng nhỏ, lòng tôi bỗng bồi hồi. Tôi tin rằng ai đã từng một lần tắm hồn mình trong nhạc của Trịnh Công Sơn, thì dù có hôm nào “thức dậy không còn thấy loài người", vẫn không khỏi nhung nhớ khôn nguôi người nhạc sĩ thiên tài nàỵ
Tuy chỉ “gõ đầu trẻ“ vỏn vẹn hai năm nhưng tình cảm anh dành cho thiếu nhi rất thân thương, cảm động. Anh viết khá nhiều cho các em, từ tuổi nhi đồng cho đến cả tuổi mới lớn. Bài Mẹ đi vắng viết cho các cháu mầm non có âm điệu vui tươi, dí dỏm:
Mẹ đi vắng, mẹ đi vắng
Con sang chơi nhà bạn ( í a)
Con cầm cây đàn con hát
Hát cho mẹ về với con…

Các cháu nhi đồng rất thích hình ảnh chiếc khăn quàng đỏ của mình được ca ngợi trong bài Khăn quàng thắp sáng bình minh:
Từng chiếc khăn em quàng thắm đỏ bình minh
Từng cánh tay măng non đang xây ngày mai hồng
Đoàn thiếu nhi em là hy vọng ngày mai…/
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cũng không bỏ quên lứa tuổi ô mai vừa bước vào ngưỡng cửa trường trung học. Anh dành cho các em những giai điệu thật trong sáng, mộng mơ:
Mây và tóc em bay trong chiều gió lộng
Trời làm cơn mưa xanh dưới những hàng me
Em và lá tung tăng như lòai chim đến
Và đã hót giữa những phố nhà…

Nhưng một bài hát được đông đảo các em ưa thích vẫn là bài Em là bông hồng nhỏ mà nếu tôi không lầm thì đây là bài hát đã được thiếu nhi cả nước bình chọn là 1 trong 50 bài hát hay nhất cuả thế kỷ 20.
Hôm nay, đúng vào dịp kỷ niệm 6 năm ngày mất của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, tôi thấy lòng mình se lại. Những hồi ức về người nhạc sĩ thiên tài kéo tôi về với những ngày tháng đong đầy kỷ niệm xa xưa. Làm sao quên được những ngày bỏ học ở giảng đường Văn khoa Sài Gòn kéo nhau ra tụ tập dưới gốc cây chỉ để được nghe chính giọng hát của Trịnh Công Sơn - người tạo nên hiện tượng đặc biệt trong nền âm nhạc Việt Nam suốt mấy năm đầu của thập niên 1970 khắp cả miền Nam, thầm kín ở miền Bắc và tỏa lan cả ở nước ngoài. Làm sao quên được những buổi tối không hẹn mà quán Văn chỉ có ghế gỗ, mái lá, nền xi măng mà vẫn chen chúc khách ngồi thưởng thức nhạc Trịnh Công Sơn. Có lẽ những bài tình ca của anh đã có ma lực quyến rũ rất mãnh liệt. Sau ngày giải phóng, chính Trịnh Công Sơn từng tâm sự: ”Mỗi bài hát cuả tôi là một lời tỏ tình với cuộc sống”.
Những năm tháng đó, Trịnh Công Sơn trở thành người được mến mộ vượt lên trên cả lớp nhạc sĩ thành danh trong thời tiền chiến. Anh được phong tặng danh hiệu “Kẻ du ca về tình yêu, quê hương và thân phận”. Không chỉ yêu nhạc Trịnh Công Sơn, nhiều người còn yêu thơ, yêu tranh, yêu văn, yêu tiếng hát của anh nữa.
Tận đáy lòng, tôi tâm phục nhạc Trịnh Công Sơn có sức xoáy sâu vào lòng người, vào con tim của nhiều thế hệ. Sự thành công cuả Trịnh Công Sơn có lẽ là vì người nghe đã tìm được “cái tôi “ của mình trong bài hát của anh. Nghe nhạc của anh buồn mà vẫn thích vì có mấy ai dám phủ nhận rằng cuộc đời này buồn nhiều hơn vui? Thế nhưng nhạc Trịnh Công Sơn lại không dẫn người ta vào con đường bi luỵ. Khi “cuộc đời gần như niềm tuyệt vọng “ thì chính anh cũng lại lại cất tiếng: "Tôi ơi, đừng tuyệt vọng”.
...Nói sao cho hết tình cảm của bao người dành cho một con người đã nên tạo nên được một hiện tượng hiếm có trong âm nhạc Việt Nam ở thế kỷ 20: hiện tượng nhạc Trịnh Công Sơn. Chỉ biết, mỗi 1-4 về, lại nhung nhớ khôn nguôi...



nguồn: www.tuoitre.com.vn
  Trịnh Công Sơn:
> bài hát
> bài viết
> hình ảnh
> phỏng vấn
> bút tích
> dòng thời gian

Những người mến mộ:
> những kỷ niệm
> bài viết
> tưởng niệm
> tin tức
> sách
> lưu bút

Khánh Ly


Phố Xưa


- 20 bài mới nhất



Một hình ảnh ngẫu nhiên:






Gia Sư: Gia Đình + Sinh Viên
 
Address: www.SuuTap.com/TrinhCongSon - Collection: Hoang Truc Ly - Design & script: Sony Ho