tin tức




Một đêm nghe nhạc Trịnh Công Sơn

--- Lâm văn Sang ---


Chương trình Hát Cho Tuổi Thơ trở lại với San Jose lần thứ ba với chủ đề Còn Tuổi Nào Cho Em, đã được thực hiện trong hai xuất trình diễn trong ngày Chủ Nhật, 6 tháng Ba ở Santa Clara Convention Center.

Xuất hiện đầu tiên trước khi chương trình văn nghệ bắt đầu, thầy Pháp Chơn, bằng giọng nói từ tốn, nhẫn nại, lên tiếng "Nói đến tuổi trẻ tức nói đến sức sống. Nói đến sức sống tức nói đến tình thương. Anh chị em ICAN đã đến với nhau để chia xẻ nỗi khó khăn của trẻ em bất hạnh không phải chỉ ở Việt Nam mà còn khắp nơi trên thế giới."

Trong tinh thần coi "nỗi đau của đồng loại cũng là nỗi đau của chính mình" ICAN trong năm qua đã có mặt với nạn nhân của sóng thần tsunami ở Thái Lan và Sri Lanka. Năm trước ICAN kêu gọi vận động thành lập một trung tâm chữa bệnh miễn phí ở Việt Nam. Năm nay trong đêm nhạc chiều Chủ Nhật, thầy Pháp Chơn tuyên bố, bệnh viện đó sẽ mở cửa đón tiếp bệnh nhân bắt đầu vào cuối tháng này. Thầy cho biết số tiền thu được trong hai đêm trình diễn sẽ được mang đến cho nạn nhân sóng thần ở Sri Lanka trong chuyến đi vào ngày 13 trong tháng này.

Còn Tuổi Nào Cho Em là tên một bài hát của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và thực sự, chương trình là một buổi trình diễn nhạc của ông.

Mang tình ca Trịnh Công Sơn đến với San Jose lần này có bốn ca sĩ: Khánh Ly, Quang Tuấn, Trần Thu Hà, Bằng Kiều và dàn nhạc thính phòng của Thomas Ngô.

Chương trình là một sắp xếp hài hòa nhiều mặt. Trên sân khấu sự phân chia đó ở hai phía: Khánh Ly, Quang Tuấn một bên và Trần Thu Hà, Bằng Kiều một bên. Phân chia đó không hẳn ở tuổi tác hay trong và ngoài nước. Về tuổi tác, Quang Tuấn đứng về phía trẻ nhưng giọng ca đó, cách trình diễn đó ở về phía cổ điển, thích hợp với "nữ hoàng chân đất" một thời Khánh Ly.

Trên sân khấu đêm Chủ Nhật, và với chiếc bánh sinh nhật có quá nhiều nến được mang ra, người ta biết đây là năm thứ 44 trong đời ca hát của Khánh Ly. Cô hát hơi mỏi mệt một chút so với nhiều lần xuất hiện trước, trong xuất hát thứ hai trong ngày Chủ Nhật.

Trên sân khấu, Trần Thu Hà, một lần nữa, chứng tỏ tính đa dạng trong cách diễn đạt ca khúc của mình. Cô hát bài Tiến Thoái Lưỡng Nan không cần nhạc đệm. Cô hát Vết Lăn Trầm với phần đệm vĩ cầm của Khắc Quân và phần tây ban cầm của Nguyễn Xinh Xô rất jazz.

Sự hài hòa của đêm nhạc còn được thấy trong phần thiết kế âm thanh giữa tiếng nhạc và tiếng ca. Dường như đã không có một sai sót nào cả về mặt này trong suốt chương trình.

Nhạc tình Trịnh Công Sơn thường có nhịp chậm. Cố gắng đổi thay điều này cũng được thấy (bài Cuối Cùng Cho Một Tình Yêu được chuyển ra điệu bossa nova, bài Để Gió Cuốn Đi, nhịp ¾ được chơi nhanh hơn).

Cố gắng phá vỡ cái hình ảnh chết cứng, bất động của một chương trình nhạc thính phòng từ đầu đến cuối còn được thấy khá rõ trong lần xuất hiện lần này của Thomas Ngô. Ca sĩ hát không nhạc đệm (Trần Thu Hà), hát với đàn tây ban cầm (Quang Tuấn, Bằng Kiều) và hát chỉ với đàn tây ban cầm ở đoạn đầu, dàn nhạc hòa tấu đi vào sau đó (Bằng Kiều). Sắp xếp đó đã tạo chuyển động cho chương trình.

Nhưng tất cả vẫn nằm trong nhịp chậm của nhạc tình Trịnh Công Sơn. Người tạo ra tốc độ cân bằng với nhịp chậm đó, người góp phần vào sự hài hòa của chương trình là MC Vĩnh Lạc. Ông luôn luôn có quá nhiều điều để nói và không bao giờ có đủ thì giờ để nói đủ điều muốn nói. Dù ông biết rằng nhạc Trịnh Công Sơn "chưa cần hiểu vẫn thấy hay thì đâu cần phải có MC dẫn dắt." Dù ông biết rằng làm MC cho chương trình nhạc Trịnh Công Sơn là "cái ngu thứ năm trên đời." Dù ông biết rằng "dám đem chữ nghĩa trên đời này ra để tôn giá trị thêm cho chữ nghĩa Trịnh Công Sơn là làm trò hề." Vậy mà cái tốc độ nói đó của ông vẫn không chậm lại. Ông nói vượt qua những dấu chấm, dấu phẩy. Ông nói vượt qua luôn tốc độ nhận âm thanh và tốc độ hiểu của người nghe. Ông chỉ phải ngừng lại vì tiếng vỗ tay tán thưởng của người nghe (đôi khi làm ông ngạc nhiên).

Dù gì đi nữa Vĩnh Lạc cũng đã làm mới sân khấu trong vai trò MC. Cái mới không phải chỉ ở tốc độ. Ông có thể đã chinh phục người nghe bằng tốc độ. Nhưng điều quan trọng hơn, phải nói cho công bằng, ông chinh phục người khác bằng sự hiểu biết của mình (miễn là ông đừng nói về cái tôi nhiều quá như lần xuất hiện trước đây và có người chịu lắng nghe).

Đêm Chủ Nhật Vĩnh Lạc đã gánh lên vai một trách nhiệm nặng nề: tìm cách giải thích lời nhạc Trịnh Công Sơn. Ông đã đọc thuộc lòng bài Đêm Thấy Ta Là Thác Đổ và phân tích ý nghĩa bản nhạc này. Ông đem chuyện Trang Tử và Huệ Thi vào để mang khái niệm triết học "epistemology" (tri thức luận) nhằm giải thích câu nhạc "Làm sao em biết bia đá không đau." Ông cho rằng câu "sẽ có một ngày từng con đường nhỏ trả lời cho tôi" trong bài Nhớ Mùa Thu Hà Nội không dính dáng gì đến lịch sử hiện đại mà là một thể hiện lâu đời hơn trong bi kịch lịch sử Việt Nam. Ông giải thích bài Vết Lăn Trầm bằng cách mang Le Mythe de Sisyphe ra đọc (dù ông đọc trật tên tác giả của cuốn sách này là André Gide thay vì là Albert Camus).

Đêm Chủ Nhật, lần đầu tiên sau nhiều năm đọc Camus, tôi gặp được Sisyphe bằng xương bằng thịt trên sân khấu.



nguồn: www.mercurynews.com
  Trịnh Công Sơn:
> bài hát
> bài viết
> hình ảnh
> phỏng vấn
> bút tích
> dòng thời gian

Những người mến mộ:
> những kỷ niệm
> bài viết
> tưởng niệm
> tin tức
> sách
> lưu bút

Khánh Ly


Phố Xưa


- 20 bài mới nhất



Một hình ảnh ngẫu nhiên:






Gia Sư: Gia Đình + Sinh Viên
 
Address: www.SuuTap.com/TrinhCongSon - Collection: Hoang Truc Ly - Design & script: Sony Ho