tưởng niệm




Giai điệu được anh Trịnh Công Sơn viết ra rất đẹp

--- H.Hoàng - K.T.Tài ghi ---


Tôi đã yêu và đam mê giai điệu Hạ Trắng từ khi chưa biết tên tác phẩm cũng như tác giả của nó. Đó là lần đầu tiên tôi được nghe tác phẩm này khi chưa tròn 9 tuổi, cái tuổi còn mãi mê bắn bi hay trốn tìm. Rồi từ đấy cuộc đời tôi đã cuốn theo Hạ Trắng cùng tiếng kèn Saxo". Nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn đã viết như thế trong CD Hạ Trắng của mình. Và có lẽ từ buổi đầu ấy đã có một sợi duyên phận mong manh để sau này anh không thể nào quên được người nhạc sỹ tài hoa ấy, nhạc sỹ Trịnh Công Sơn

Có một thời gian rất dài tôi chơi tác phẩm Hạ Trắng. Lúc đó, tôi chỉ chơi bằng kinh nghiệm và hiểu biết của mình chứ cũng không hiểu hết những cái sâu xa trong nội dung, trong tình cảm mà anh đã đưa vào tác phẩm. Đến năm 1992 tôi mới có dịp gặp nhạc sỹ Trịnh Công Sơn và trao đổi rất nhiều về những tác phẩm của anh. Từ đó đến bây giờ thì tôi chơi chắc cũng đến cả trăm bài của anh Sơn.

Thật ra mọi người vẫn thường nói anh Sơn là "phù thủy về ca từ" nhưng đối với tôi là một nghệ sĩ chơi nhạc cụ không lời nên tôi lại quan tâm đến phần giai điệu nhiều hơn. Tôi chỉ đọc nó để hiểu thêm về tác phẩm. Giai điệu được anh Trịnh Công Sơn viết ra rất đẹp. Trong âm nhạc người ta không nói đến khó hay dễ, nhưng ở âm nhạc của anh vẫn toát lên được một cái gì đó theo tôi nghĩ là "cao". Âm nhạc của anh rất đơn giản, giai điệu mộc mạc, và chính bởi cái mộc mạc đó tạo cho người ta những không gian và những khoảng trống. Mà đối với một người nghệ sĩ thể hiện nhất là người thể hiện nhạc Jazz thì không gian rất quan trọng. Nhạc của anh có nhiều khoảng lặng, những dấu chấm phẩy rất rõ ràng chính vì vậy mà tôi có thể đưa tâm hồn, tình cảm của tôi vào rất nhiều.
Tôi thích sự mộc mạc đơn giản trong nhạc của anh Sơn. Như nhiều bậc tiền bối đều khẳng định chúng ta không thể viết dày đặc được. Âm nhạc đương đại cần nhiều không gian để chứa tâm hồn, cảm xúc của người nghệ sĩ. Chính sự mộc mạc giản dị trong âm nhạc của anh Sơn lại cho người nghệ sĩ cơ hội đưa tình cảm, ý tưởng của mình vào hòa quyện cùng với nó. Tôi quan niệm là viết ít nốt như anh Sơn mà hay thì vẫn khó hơn viết nhiều nốt. Khi tôi viết nhạc tiêu chí của tôi là mang đến công chúng cái đẹp.

Âm nhạc của anh Sơn có sức lôi cuốn rất kỳ lạ. Hiếm người nào làm được việc là từ Thủ Tướng đến người bán rau ở ngoài chợ đều thích nhạc Trịnh. Tôi đi diễn ở nước ngoài, trên giai điệu của anh tôi ngẫu hứng thành jazz cũng khiến người ta chết mê. Lúc đó nó đã trở thành ngôn ngữ chung, ngôn ngữ quốc tế. Đối với tôi anh Sơn là một vĩ nhân.

Tôi chưa bao giờ lỡ một năm nào từ khi anh Sơn mất. Kể cả những năm tôi đang phải chữa bệnh ở Mỹ, bác sĩ không cho về nhưng tôi vẫn về. Cách đây hai năm, tất cả báo chí đều đăng là sẽ thiếu Trần Mạnh Tuấn. Nhưng thời điểm sát nút mình lại về được. Đến khi mình diễn người ta lại ngạc nhiên khi thấy một người bị đồn là sắp chết lại có mặt. Chỉ có năm nay, sau 7 năm tôi lại vắng mặt để tham gia liên hoan hội thảo về âm nhạc đương đại tại bang Colorado, Mỹ. Tôi có nhận được lời mời biểu diễn ở Bình Quới nhưng phải từ chối vì tham gia cuộc liên hoan này không chỉ riêng Trần Mạnh Tuấn, mà là đại diện cho Việt Nam. Nhưng rất may trong dịp này tôi có một buổi biểu diễn giao lưu với cộng đồng người Việt Nam ở Washington DC. Cộng đồng ở đây cũng rất hâm mộ nhạc của anh Sơn và có lẽ tôi vẫn có thể chơi nhạc của anh và chia sẻ cảm xúc của mình về anh với nhiều người dù không ở Việt Nam

Tính nghệ sĩ trong người Trịnh Công Sơn rất cao

- Lần đầu tiên anh gặp nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là lúc nào ?

Có lần tôi được mời vào Tp Hồ Chí Minh biểu diễn, lúc đó có một quán Nghệ Sĩ của nhóm Những Người Bạn do nhạc sỹ Từ Huy phụ trách. Thường thì tối thứ 6 nào cũng là đêm nhạc của anh, và lần đầu tiên tôi gặp anh Sơn là ở đó. Nhạc sỹ Trịnh Công Sơn là một con người rất nghệ sĩ nhưng cũng rất mộc mạc. Anh ấy lúc nào cũng trìu mến, yêu quí mọi người xung quanh và luôn tạo cảm giác dễ gần. Lúc đó tôi cũng không dám nhận là thân thiết với anh còn anh thì chỉ là quí mến một người trẻ. Sau này đi đâu cũng có nhau. Tôi, anh Bảo Phúc được xem như một "cặp tiền đạo" người bên trái người bên phải đi "phò tá" anh Trịnh Công Sơn. Anh Phúc thì đệm đàn, tôi chơi kèn anh Sơn hát.

- Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trong tưởng tượng của anh và đời thật có khác nhau lắm không?

Ngày xưa tôi vẫn hay nghĩ ông Trịnh Công Sơn tướng tá chắc cũng "ghê" lắm, bảnh trai lắm mới có thể viết được những khúc nhạc lãng mạn như thế. Đến khi gặp rồi mới thấy anh Sơn cũng bảnh trai nhưng tướng tá thì không oai phong lắm mà chỉ nhỏ nhắn nhưng anh rất hiền. Có những buổi anh mời đến nhà dùng cơm thì ấy anh chẳng ăn gì cả mà chỉ chăm cho các bạn, nhìn các bạn ăn mà anh cũng đã thấy vui rồi. Anh từng nói rằng: “Khi bạn mình vui là cuộc sống mình vui. Khi mình buồn thì ở đâu đó có người bạn mình đang vui, và khi mình vui thì đâu đó có người bạn mình đang buồn. Cứ như thế cuộc sống chia sẻ với nhau và sẽ hài hòa tất cả.”
Anh Sơn ở ngoài đời mộc mạc lắm, không bóng bẩy như những ca từ của anh. Thật ra tôi cũng không biết anh sáng tác lúc nào. Anh rất hay ngồi tĩnh lặng một mình. Anh có thể ngồi với bạn nhưng ngồi cũng chỉ là ngồi mà không cần nói chuyện. Có lẽ đó là lúc anh sáng tác. Nhìn ngoại hình của anh người ta không thể nào đoán được những cái đẹp trong âm nhạc của anh. Anh rất mộc mạc còn ca từ của anh lại rất lộng lẫy

- Anh có những kỷ niệm đáng nhớ nào với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn ?

Tôi còn nhớ lần đầu tiên anh vẽ tôi vào năm 1996. Lúc đó tôi vừa lập gia đình, hai vợ chồng vào thăm anh. Anh Sơn thuê một căn hộ ở ngay bên trong căn nhà 47C của anh bắt hai vợ chồng về ở đấy, không cho ở khách sạn. Có một hôm hai vợ chồng đi ăn tối, về nhà cũng đã 2 giờ sáng. Anh qua nhà hỏi: “Về rồi à ?”. Tôi thấy anh vẫn còn muốn nói chuyện nên hai vợ chồng mới sang bên nhà anh. Lúc đó anh lại nổi hứng lên bảo: “Xí (*), lấy toan và các thứ lên cho cậu”. Anh ngồi vẽ, còn tôi thì cứ ngủ gật. Vợ tôi ngồi cạnh cứ thúc vào chân tôi bảo tỉnh để anh vẽ. Bức tranh còn chưa khô thì tôi lại quay ra Hà Nội. Mãi hai năm sau không nhận được bức tranh. Đến khi biết ra thì anh ấy gửi cho anh Bảo Phúc trong một kỳ ra Hà Nội biểu diễn. Anh Bảo Phúc gửi lại khách sạn để gọi tôi ra lấy, lúc đó tôi lại đi Mỹ. Thế là bức tranh cứ nằm ở khách sạn ấy suốt hai năm. Sau này có những đêm đi biểu diễn anh cũng có ký họa. Có khi ngồi ở nhà người bạn, anh lấy một tấm bìa to như cái màn hình máy tính rồi lấy bút lông ký họa rồi ghi ở dưới “Trịnh Công Sơn vẽ Trần Mạnh Tuấn sau đêm diễn”. Tôi có ba bức sơn dầu và hai bức ký họa. Tôi rất thích nét ký họa của anh. Nó rất đẹp, mặc dù chỉ vài đường nhưng nhìn là nhận ra ngay Trần Mạnh Tuấn.
Hay một lần biểu diễn ở sân khấu Long Phụng với chủ đề là các ca khúc của anh. Anh lên hát, anh Bảo Phúc đệm và mình chơi kèn. Hôm đó anh hát “Một Cõi Đi Về”. Anh hát mãi đến năm, bảy phút mà vẫn không kết được, cứ hết rồi vòng lại, hết rồi vòng lại. Tôi với anh Bảo Phúc nhìn nhau bảo: “Anh Sơn ơi, hết rồi, đỗ …. đỗ lại …”. Nhưng rồi cũng không đỗ được. Nhiều lúc tính nghệ sĩ trong người anh ấy rất cao, khi anh phiêu rồi là anh cứ thế mà hát.

Một kỷ niệm khác gần như là cuối cùng trước khi anh mất, đó là lần thu bài “Tiến Thoái Lưỡng Nan”. Lần đó đi thu có tôi, anh Bảo Phúc và anh Sơn. Ba anh em thu ở Vafaco, mỗi người vào mỗi phòng riêng. Lúc đó đang thu thì nghe điện thoại reo. Anh bắt lên rồi nói: “Alô! Ai gọi tôi đấy… sao gọi mà không thấy nói gì cả”. Nhạc dừng lại một lúc rồi thu tiếp. Đang thu lại nghe một lần chuông nữa. Lần này anh hơi bực mình: “Alô! Sao ai gọi mà không trả lời gì cả”. Lần thứ ba đang hát đến “Tiến thoái lưỡng nan đi về lận đận” thì lại nghe tiếng chuông điện thoại. Anh lại bắt máy: “Alô! Sao nói không nghe vậy?”. Lúc đó anh Bảo Phúc mới nhìn ra thì thấy anh ấy vẫn đang đeo headphone trong khi vẫn để điện thoại ở ngoài. Hóa ra người ta vẫn nghe anh nói còn người ta nói gì thì anh đang đeo headphone nên không nghe được.

- Và kỷ niệm cuối cùng của anh với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là gì?

Tôi vẫn đang giữ chữ ký cuối cùng của anh Sơn. Trước đó anh có bảo “Em cứ làm CD đi. Trước mỗi bài anh sẽ nói một tí” nhưng cuối cùng lại không thực hiện được. Trước khi anh mất hai ngày trong bệnh viện, tôi mang thư xin phép thực hiện CD để anh ký. Dù là anh em chơi thân với nhau nhưng về chuyện tác quyền thì vẫn phải lo chu đáo nên tôi có đem theo một tờ biên nhận. Anh ghi ở phía dưới bằng chữ là mười triệu nhưng phần số anh chỉ ghi 10.000 (mười nghìn). Đến giờ này tôi vẫn giữ nó.

- Cảm ơn anh rất nhiều về những câu chuyện và chúc anh thật nhiều sức khỏe



nguồn: tcs.nhacso.net
  Trịnh Công Sơn:
> bài hát
> bài viết
> hình ảnh
> phỏng vấn
> bút tích
> dòng thời gian

Những người mến mộ:
> những kỷ niệm
> bài viết
> tưởng niệm
> tin tức
> sách
> lưu bút

Khánh Ly


Phố Xưa


- 20 bài mới nhất



Một hình ảnh ngẫu nhiên:






Gia Sư: Gia Đình + Sinh Viên
 
Address: www.SuuTap.com/TrinhCongSon - Collection: Hoang Truc Ly - Design & script: Sony Ho