tưởng niệm




Chút Lòng Với Trịnh Công Sơn

--- John Schafer ---


Anh Thuần,

Tôi đã theo dõi rất kỹ cuộc tham luận bằng email của gia đình về sự ra đi vĩnh viễn của Trịnh Công Sơn và đã tìm đọc tất cả những bài viết về Trịnh Công Sơn ở đây. Lẽ dĩ nhiên tôi không thể nói Trịnh Công Sơn ảnh hưởng đến đời tôi sâu đậm như nhiều người Việt Nam, nhưng Trịnh Công Sơn cũng đã có một chỗ đứng rất quan trọng trong đời tôi. Rất ít cái chết của những người danh tiếng làm tôi bàng hoàng như khi tôi nghe tin Trịnh Công Sơn đã mất. Tôi thấy hình như Trịnh Công Sơn đã ảnh hưởng đến người Việt vào trạc tuổi của chúng ta tương tự như Joan Baez đã ảnh hưởng đến người Mỹ cùng thế hệ với tôi vậy. Cả hai đều dùng âm nhạc để nói lên nỗi đau của chiếc tranh và tình yêu.

Khi tôi còn ở đường Mai Thúc Loan ở Huế, có một tiệm bán nhạc ở bên kia đường nhà tôi chuyên chơi nhạc Trịnh Công Sơn. Hồi đó cuộc tổng tấn công Mậu Thân vừa mới xảy ra và các bài ca nghe thật là buồn, các bài mà sau này tôi ít khi nghe ai hát. Thay vào đó, các thế hệ sau thích hát những bài tình ca hơn. Nhưng hồi đó tôi nhớ mình thường nghe bài Hát trên những xác người, bài hát có lời ca thật buồn mà sao âm điệu nghe có vẻ như một điệu múa. Và bài Bài ca dành cho những xác người. Lời ca bài này, lạ thay vẫn âm hưởng trong trí tôi mỗi khi tôi nghĩ đến thời kỳ đó:

Xác nào là em tôi
Dưới hố hầm này
Trên những vùng lúa cháy
Bên những vồng ngô khoai


Tôi thấy những bài này tố cáo cái tàn nhẫn và phi lý của chiếc tranh hùng hồn hơn bất cứ bài luận thuyết nào tôi được nghe từ phong trào phản chiến ở Mỹ.

Tôi nhớ có lần tôi dẫn một phóng viên Mỹ đến gặp Trịnh Công Sơn, có lẽ vào năm 71 hay 72 gì đó. Nhà Trịnh Công Sơn hồi đó nằm ở trên đường đi lên nhà thờ Phú Cam. Hình như lúc đó họa sĩ Bửu Chỉ cũng có mặt ở đó. Một sinh viên Huế và tôi là thông dịch viên cho phóng viên này. Tôi nhớ cây đàn cũ kỹ của Trịnh Công Sơn, đã bạc màu và sờn nhiều chỗ, cũng giống như Trịnh Công Sơn rất khiêm nhường và từ tốn. Sau này, tôi còn thấy lại Trịnh Công Sơn thêm một lần nữa tại một câu lạc bộ ở Sài Gòn. Trịnh Công Sơn tay cầm ly rượu đang nghe một số ca sĩ nổi danh trình bày nhạc của mình.

Nhiều bài tưởng niệm Trịnh Công Sơn đã nói nhạc Trịnh Công Sơn nghe như thơ vậy. Tôi nhớ có lần một giáo sư Anh văn, tốt nghiệp từ một trường đại học Anh, nói với tôi bà ta thích nhạc của Trịnh Công Sơn vì chất thơ của nó. Tôi nhớ mình rất ngạc nhiên khi nghe bà ta nói vậy vì bà ta rất ít khi khen ai và hay tỏ vẻ ghét nhạc của giới trẻ. Thật đúng nhạc của Trịnh Công Sơn đã vượt qua mọi giới hạn, từ những nhà tri thức được đào tạo ở Âu Mỹ như bà bạn đồng nghiệp của tôi, đến nhà văn cách mạng như Nguyễn Quang Sáng và những sinh viên, học sinh. Gần đây, tôi đọc trên báo lại được nghe người Nhật cũng mê nhạc Trịnh Công Sơn lắm!

Mùa hè năm 1989, khi tôi lái xe từ nhà ở California đến đại học Cornell ở tiểu bang New York, tôi mang theo cuộc băng cassette mà anh gởi cho tôi từ Paris, cái băng mà Thanh Hải hát và giới thiệu nhạc Trịnh Công Sơn. Tôi cứ nghe lui nghe tới hoài cái băng đó chẳng biết chán và cứ vậy tôi lái xe xuyên qua cả nước Mỹ - qua Nevada, Wyoming, Nebraska - vừa lái xe tôi vừa nghe Như cánh vạc bay, Mưa hồng, Em còn nhớ hay em đã quên và nhiều bài khác nữa. Mỗi lần nghe, tôi lại học được thêm một vài từ và hiểu thêm một chút nữa tâm sự Trịnh Công Sơn gởi gắm trong lời ca.

Qua những bài như Gia tài của mẹKhi đất nước tôi thanh bình. Trịnh Công Sơn phát họa ra một nước Việt Nam tuy chiếc tranh không còn nữa nhưng vẫn còn quá điêu tàn. Cũng may mà Trịnh Công Sơn còn sống đủ để thấy đất nước thanh bình. Nhưng tiếc thay Trịnh Công Sơn không còn nữa để thấy một nước Việt Nam xán lạn hơn nữa trong tương lai.



nguồn: Trịnh Công Sơn - Một nhạc sĩ thiên tài
  Trịnh Công Sơn:
> bài hát
> bài viết
> hình ảnh
> phỏng vấn
> bút tích
> dòng thời gian

Những người mến mộ:
> những kỷ niệm
> bài viết
> tưởng niệm
> tin tức
> sách
> lưu bút

Khánh Ly


Phố Xưa


- 20 bài mới nhất



Một hình ảnh ngẫu nhiên:






Gia Sư: Gia Đình + Sinh Viên
 
Address: www.SuuTap.com/TrinhCongSon - Collection: Hoang Truc Ly - Design & script: Sony Ho