tưởng niệm




Trịnh Công Sơn và cây đàn lya của hoàng tử bé

--- Nguyễn Xuân Hoàng ---


Vậy là cuối cùng, cuốn sách Hoàng Phủ Ngọc Tường viết về Trịnh Công Sơn - người bạn thân thiết của mình đã ra mắt bạn đọc. Cuốn sách do nhà xuất bản Phương Nam ấn hành với cái tựa cổ điển " Trịnh Công Sơn và cây đàn lya của hoàng tử bé". Hai năm qua, nhiều bạn đọc hâm mộ Hoàng Phủ Ngọc Tường đã chờ đợi ngày cuốn sách ra đời. Cầm cuốn sách được tặng bản đầu tiên nóng hổi trên tay, tôi chúc mừng ông Tường.

- Nguyễn Xuân Hoàng (NXH): Xin chúc mừng ông Tường. Ông Tường ơi ! trước ông đã có ít nhất dăm sáu cuốn sách viết về Trịnh Công Sơn. Riêng mình, ông muốn nói gì với bạn đọc qua " Trịnh Công Sơn và cây đàn lya của hoàng tử bé" ?

- Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường (HPNT): Tôi đã đọc những cuốn sách viết về Trịnh Công Sơn. Sau khi Sơn nằm xuống, Hà Nội, Sài Gòn và Huế đều có làm sách về Sơn. Một số trong đó là những tác phẩm có tính chất phúng điếu. Tập hợp thật nhanh các bài viết của nhiều cây bút cho kịp những ngày kỷ niệm Sơn. Ðó là những cuốn sách có nhiều tư liệu cần thiết cho những người hâm mộ và muốn tìm hiểu cuộc đời và sự nghiệp của Sơn. Cuốn sách của tôi không rơi vào phúng điếu, mà nó đi tiếp cái mạch của Bửu Ý, Nguyễn Ðắc Xuân khi viết về Trịnh Công Sơn, nhưng với chủ đích là phân tích, tìm hiểu về giá trị nghệ thuật trong âm nhạc Trịnh Công Sơn.

- Dường như so với bản thảo ban đầu, bố cục cuốn sách có một số thay đổi ? Thay đổi như vậy có làm cho cuốn sách thú vị hơn không?

- Tôi không còn nhớ bản thảo ban đầu nó như thế nào, vì thay đổi, sắp xếp cho hợp lý cũng là một sự hoàn thiện cần thiết. Cuốn sách ra mắt gồm 18 bài viết với ba phần và ba tiêu đề có chủ ý của tôi là: Ðịa đàng còn in dấu chân, Tuổi đá buồn và Ðể gió cuốn đi. Ba tiêu đề theo tôi đã khái quát tinh thần và sự nghiệp âm nhạc của Trịnh Công Sơn.

- Ông Tường nghĩ gì về Trịnh Công Sơn? Về âm nhạc Trịnh? Theo ông, liệu những ca khúc của Trịnh Công Sơn có mai một theo thời gian hay không?

- Trước sau, Trịnh Công Sơn vẫn là một nhạc sĩ nổi tiếng của tình yêu. Tôi nghĩ về Sơn là nghĩ về một người bạn. Không phải lúc nào tôi cũng hiểu hết Sơn và thú thật dù là bạn thân thiết cũng chưa chắc gì con người ta đã hiểu hết nhau. Và tôi chưa hiểu hết Sơn. Giá trị của âm nhạc Sơn, thì tôi đã viết qua cuốn sách này. Cái gì trong cuộc đời rồi cũng mai một. Có những bài hát nổi tiếng rồi sau đó người ta đã quên mất lời và không còn hát nữa. Ca khúc Trịnh Công Sơn có thể rồi cũng mai một, nhưng nó mai một chậm hơn, nghĩa là nó tồn tại lâu hơn. Như vậy cũng đã là lớn lao rồi.

- Một tình bạn gắn bó - điều đó là dễ dàng hay khó khăn khi ông bắt tay vào viết cuốn sách này?

- Không có cái gì trên đời này là dễ. Tình bạn lại càng khó hơn. Như tôi đã nói cuộc tranh luận của thế hệ chúng tôi là không bao giờ dứt. Chúng tôi đi những con đường khác nhau để cùng đến đích và không chắc tôi đã hiểu hết Sơn - đó là một khó khăn. Hơn nữa, cuộc đời có những khoảng trống. Có những năm tháng tôi ở rừng và Sơn ở phố, chúng tôi mất liên lạc về nhau...

- Âm nhạc của Trịnh Công Sơn đầy ma lực, dường như người nghe chỉ cần cảm một cách đầy cảm tính mà không phải qua bất cứ một sự phân tích lý tính nào. Vậy theo ông Tường đâu là những yếu tố cơ bản nhất làm nên ma lực nhạc Trịnh?

- Thế hệ chúng tôi trong đó có Sơn đã sống qua một thời tao loạn và chết chóc. Sáng mai thức dậy chưa chắc tin rằng mình còn sống. Theo tôi, cái chết và nỗi cô đơn được Sơn đưa vào âm nhạc chính là ma lực cuốn hút con người. Bởi vì cái chết là giới hạn của hiện sinh và nỗi cô đơn là thường trực ở mỗi con người. Từ các nền tảng có tính chất quy luật của cái chết và nỗi cô đơn, Sơn đã ca hát về tình yêu và phận người. Trên đời này có gì hơn tình yêu, và âm nhạc Trịnh ma lực ở đó.

- Kỷ niệm tình bạn nào với Trịnh Công Sơn làm ông nhớ nhất và nhói đau khi nghĩ về nó ?

- Tôi đã viết trong " Trịnh Công Sơn và cây đàn lya của hoàng tử bé" về căn nhà của những gã lang thang. Những ngày còn sống bên nhau, chúng tôi thích đi lang thang. Ðó là một kỷ niệm đẹp. Tôi, Sơn, Cường (Ðinh Cường)... và một số anh em thèm đi lang thang, cách đi của vô định và đầy ắp đời sống nội tâm. Những năm tháng ấy thật nhiều hoài bão và khát vọng. Khi chúng tôi lang thang Sơn vẫn thường ăn mặc rất đẹp. Lang thang đêm tối ở Huế thật là thơ mộng. Cũng như thế hệ chúng tôi, thành phố Huế lúc ấy không bình yên. Ði, và mỗi đứa tự đeo đuổi những dòng suy tưởng của riêng mình. Lang thang và suy tưởng, có lẽ đó cũng là những năm tháng đầy trăn trở cho một sự lựa chọn sau này. Cố nhiên trong kỷ niệm tình bạn thì còn nhiều những điều riêng tư nữa...

- Ðọc " Trịnh Công Sơn và cây đàn lya của hoàng tử bé" như vẫn còn một chút hụt hẫng. Còn điều gì về Trịnh Công Sơn mà ông chưa có dịp nói hết qua cuốn sách này?

- Vâng ! Câu hỏi của anh cũng là điều trăn trở của tôi. Ngày chúng tôi tạm xa nhau, mỗi đứa chọn một con đường riêng thì Sơn chưa nổi tiếng. Rồi sau đó Sơn chọn âm nhạc, và nhiều ca khúc của Sơn đã đến với thế hệ thanh niên bấy giờ. Sáu trăm ca khúc là một gia tài. Nhạc Sơn được nghiên cứu ở Nhật, tên Sơn được đưa vào từ điển danh nhân... đi đâu cũng có thể nghe nhạc Sơn vang vọng. Vậy mà ngày còn sống, Sơn hầu như không có được lấy một sự chấp nhận nào, một danh hiệu nghệ sĩ, một giải thưởng nhỏ cũng không có. Tôi lấy làm lạ về điều này. Có lẽ đến lúc phải nhìn nhận, đánh giá công bằng sự đóng góp của Sơn cho nền âm nhạc hiện đại Việt Nam. Người đã chết không cần điều đó, nhưng chúng ta cần, và cần trả lại sự công bằng cho một nghệ sĩ đích thực.

- Sau " Trịnh Công Sơn và cây đàn lya của hoàng tử bé", ông còn có dự định nào nữa không ? Nếu có thì dự định đó là gì?

- Thường thì sau khi làm xong tuyển tập cũng nên rửa tay gác kiếm. Mà tuyển tập thì nhà xuất bản Phương Nam đã làm xong cho tôi từ năm 2002. Sau cuốn sách về Trịnh Công Sơn, tôi không có dự định gì nữa. Cảm hứng đến thì viết mà không thì thôi. Không còn bận lòng và không ép mình.

Cuộc trò chuyện xem ra đã khá dài. Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường có vẻ thấm mệt, nhấc tay ra khỏi trán, ông trở mình nằm nghiêng cho đỡ mỏi. Ðôi mắt tinh anh khép lại một cái nhìn dẫu tuổi tác nhưng vẫn thẳm sâu một phương trời viễn mộng.

Huế, ngày 29 tháng 3 năm 2005



nguồn: hue.vnn.vn
  Trịnh Công Sơn:
> bài hát
> bài viết
> hình ảnh
> phỏng vấn
> bút tích
> dòng thời gian

Những người mến mộ:
> những kỷ niệm
> bài viết
> tưởng niệm
> tin tức
> sách
> lưu bút

Khánh Ly


Phố Xưa


- 20 bài mới nhất



Một hình ảnh ngẫu nhiên:






Gia Sư: Gia Đình + Sinh Viên
 
Address: www.SuuTap.com/TrinhCongSon - Collection: Hoang Truc Ly - Design & script: Sony Ho