tưởng niệm




Hơn một “người tình” từ Trịnh Công Sơn

--- Dương Quỳnh Hoa ---


Khi lang thang xa xứ với hành trang đơn giản, không ít người Việt mang theo mình nhạc Trịnh Công Sơn. Những người Việt ấy gặp nhau, những lời ca đầy ẩn ý của Trịnh vuột ra một cách tình cờ trong cuộc trò chuyện... Và không thể không nhìn nhau đồng cảm...

Nơi xa xứ gặp được "người tình"
Người viễn xứ hiểu họ đã gặp nhau từ lâu lắm và thân nhau từ lâu lắm. Những câu chuyện không phải gặp ai cũng có thể kể, nếu không nhờ những điều thân thuộc được gợi từ nhạc Trịnh...


Bao người đã tìm thấy ở nhạc Trịnh một niềm tri âm. Không phải lúc nào cái sự nghe Trịnh qua từng thời kỳ của mỗi người cũng giống nhau. Nhưng trong những cuộc viễn du vào tâm hồn âm nhạc, người ta thường dành tình thương mến cho nhạc Trịnh ở một cấp độ cao hơn.

Tôi yêu sự tồn tại tự thân của nhạc Trịnh. Như ngày tôi còn bé, sự lựa chọn về âm nhạc đó không đến từ tôi. Nó đến từ sự lãng đãng, thanh bình và êm ả trong khu tập thể nhỏ bé mọi người vẫn giữ thói tập trung trà nước ở một ngôi nhà trung tâm, ai cũng có thể đến chơi. Nó đến từ những chiều mộng như trong tranh, tôi ngồi đấy và kể líu lo về những gì xảy đến trong ngày với mình cho gia đình bạn.
Tôi đã được yêu nhiều biết bao trong những ngày tháng ấy. Tôi đã được cho nhiều biết bao từ những ngày ấy. Nhạc Trịnh đã tồn tại hiểu nhiên trong lũ trẻ con nhí nhố chúng tôi thuở ấy. Tất cả lẫn với những bức tranh phố mái ngói nâu trầm, những thanh âm lách cách của cuộc sống bình dị...

Tôi tin, người ta ai cũng cần một tâm hồn, một niềm tin và một tình yêu trong trẻo để thấy mình giàu có. Có những thứ không ai có thể lấy đi được, có những hạt giống tâm hồn được gieo hạt và được nuôi dưỡng để trở thành những cái cây khỏe mạnh, biết cắm rễ sâu vào đất tìm mạch sống.

Tôi đã gặp lại nhạc Trịnh trong ngôi nhà của bao người bạn khác của mình. Những gia đình trí thức. Những vị phụ huynh thành đạt. Gia đình nhỏ của những người trẻ tuổi. Tiếng nhạc vang lên trầm tĩnh và đậm đặc như những mảnh hồn biết nói.
Những con người ấy, tôi biết. Không có gì bắt được họ nghe thứ họ không muốn nghe. Họ chọn nhạc Trịnh, yêu nó và trải qua bao vui buồn đời họ cùng nó, và lại truyền tình yêu ấy cho con cái của mình.

Không phải ai trong số những ngươi ấy cũng viết về tình yêu mình dành cho nhạc Trịnh. Vậy nên, khi tôi gặp được, bỗng hiểu, sự lựa chọn của mình từ buổi đầu không còn là sự lựa chọn cá nhân.

Nhạc tìm đến người, xoa dịu niềm đau và nâng cao tầm triết lý vào những điều thiết thân trong các cung bậc tình cảm phức tạp của con người.

Nhạc Trịnh tự sắp đặt định mệnh cho mình để trở thành người tình của nhiều người, rất rất nhiều người Việt. Rồi khi nhạc thấm vào người, bỗng thấy đó là một người tình đơn độc không bao giờ rời bỏ lối mình đi.
Có Trịnh, có tình

Khi em gái của nhạc sỹ Trịnh Công Sơn, ca sỹ Trịnh Vĩnh Trinh về nước làm album đầu tiên “Ru tình”, tất cả khu phố của chúng tôi đã đón đợi nó.

Tôi vẫn còn nhớ, mình và cô bạn thân hối hả đạp xe lên Hàng Gai mua băng cát-xét đầu đời.

“Ru em hài nhung gấm,
Ru em gót sen hồng
Ru em bầy lá nhỏ
Miệng ngọt hạt từ tâm…”


Trịnh Vĩnh Trinh có một giọng ca thánh thót, ngân nga. Quá lạ lùng so với những gì chúng tôi - những đứa trẻ con mười sáu tuổi quen nghe. Tôi đã bật băng “Ru tình” đó lên nghe bằng một sự ngưỡng mộ không bao giờ quên ngay từ lần đầu tiên.

Sau này, tôi luôn nghĩ, sự đầu tiên đặc biệt vì nó chỉ có một lần. Cảm xúc chưa từng biết đầy ắp và trong trẻo tròn đầy chỉ có một lần. Lần đầu tiên biết đến giọng hát Trịnh Vĩnh Trinh ấy, về sau còn mãi với tôi.

Đĩa CD duy nhất tôi mang theo khi xa nhà là đĩa “Tình yêu tìm thấy” của Trịnh Vĩnh Trinh. Nghe đi nghe lại, lần nào cũng yêu quá sự duyên dáng và thật thà ngọt ngào của “Còn đây có bao ngày và em hãy yêu tôi, đời đốt nến chia phôi dù nhớ thương cũng hoài…”

Lần đầu tiên, gặp Trịnh Vĩnh Trinh tại quán “Trịnh”, ngõ 47 Phạm Ngọc Thạch, Quận 1, TPHCM, tôi đã xúc động rất nhiều. Tôi đã nghe cô hát bằng tâm hồn một cô bé 16 tuổi. Tôi đã nhìn ngắm những bức hình ít ỏi của cô bằng ánh mắt tràn những sự ngưỡng mộ không biên giới của một cô bé 16 tuổi. Tôi đã yêu và ngộ những lời ca tình yêu nồng nàn và hoài niệm tiếc nhớ bảng lảng bằng một niềm đau chưa tỏ của một cô bé 16 tuổi. Tôi đã sống và tôi đã nhìn. Tôi đã tiếc và tôi đã thương.

Một buổi chiều nhạc Trịnh ngồi trong quán Trịnh, với những con người đã làm nên tên tuổi Trịnh, tôi chọn không nói gì, không nhìn nhiều mà chỉ chăm chỉ viết vào một cuốn sổ nhỏ. Mọi người nghĩ tôi đang làm việc. Còn tôi hiểu, mình đang ghi những nhật ký của một người tình nhỏ.


Người không biết đến thực sự hình ảnh của người mình yêu. Vậy mà yêu đắm đuối. Yêu những cảm xúc dội qua từ suy tưởng và từ sự cộng hưởng mà tôi may mắn có được với những người bạn có chung một hợp cảm về âm nhạc khác.

Tôi đã có một người mà cả tôi và cậu đều yêu nhau từ cái nhìn đầu tiên, bằng xương bằng thịt. Tư tưởng của chúng tôi hợp nhau và chúng tôi say sưa nói về âm nhạc, về nhạc Trịnh. Sau này, tôi ghi lại những gì tôi đã sống với tình yêu qua lăng kính của những dòng nhạc Trịnh. Bỗng một ngày, tôi thấy mình đã có hơn chỉ một người Tình!

Liệu, có đến một ngày, tôi thôi không viết về người yêu ấy, về những kỷ niệm nằm sâu dưới đáy nhưng chưa hoàn toàn ngủ yên? Có thể. Và tôi sẽ đón chào điều đó bằng cả niềm vui lẫn sự nghẹn ngào.

Đôi khi, trong niềm đau và thương nhớ, người ta bỗng hiểu mình hơn và biết mình cần sự yêu thương đến mức nào hơn. Và như thế, tôi nên thực sự biết ơn những Tình Yêu mà nhạc Trịnh đã dạy cho tôi và dành cho cuộc sống này.

********************************************************

Họ và tên: Kim Loan
Địa chỉ: ĐỒNG NAI
Email: kloan@hcm.vnn.vn
Dường như trong lòng khá đông những người Việt Nam ở độ tuổi từ 60 - 70 trở xuống, ai cũng ít nhất có lần bất chợt ngân lên một điệu nhạc, một lời ca...Và nghe ra đó là nhạc Trịnh.

Nhạc Trịnh đã đi vào đời sống âm nhạc Việt, con người Việt với cuộc sống thời sự của chiến tranh, chết chóc, đạn bom; của cơ hàn đau khổ; của vui tươi hồn nhiên; của tình yêu lai láng; của bể khổ trầm luân.

Nhạc Trịnh đồng hành cùng với nhiều tầng nấc, giai cấp trong đời sống muôn hình vạn trạng. Bởi ông đã sống cùng với cuộc sống của đồng bào, ông cũng có phần đời, phần hồn góp vào cuộc sống ấy, hơi thở ấy...

Và đôi lúc sự thật nghiệt ngã đã được ông tìm đến triết lý nhà Phật để giải tỏa những bức xúc, ưu tư; để cùng ru đời đi nhé vì nhật nguyệt trên cao còn ta lại ở dưới đất.

Và trần gian chỉ là cõi tạm, hãy cứ sống chân thành và yêu thương nhau hết lòng nếu có thể, rồi có một ngày ta về với cát bụi như con cá ở trọ trong khe nước nguồn, con chim ở đậu cành tre, có gì là miên viễn đâu?...

Tất cả những điều đó có lẽ đã làm nên sự bất tử của nhạc Trịnh. Với ông, tình yêu muôn màu muôn vẻ. Từ cánh vạc, ánh nắng, môi hồng, bờ vai gầy, gót chân son...cũng làm nên một khúc nhạc họa, vừa thơ vừa tình thật lãng mạn, nhẹ nhàng. Nếu như đối với chiến tranh ông "gào thét" bao nhiêu thì trong tình yêu ông lại có như không; không mà như có, cứ ẩn hiện một "nàng" của ông với sự da diết, dịu dàng... Tôi cũng rất thích nhạc Trịnh và các tình khúc tiền chiến khác.

Mỗi năm đến ngày giỗ của ông tôi và vài người bạn cũng tụ tập nhau về Hội quán TCS ở bán đảo Thanh Đa hay một phòng trà nào đó để nghe người ta hát nhạc của ông. Nhưng năm nay chúng tôi không còn cảm giác hào hứng ấy khi biết thông tin về sự sẽ đòi tác quyền của Trịnh nhạc sĩ của người em gái của cố Trịnh.

Điều này đã làm một số phòng trà ngại va chạm nên "né" tổ chức. Và dư luận râm ran đã làm ảnh hưởng đến sự yêu thích nhạc Trịnh một cách vô tư trước đây của tôi như biến mất.

Giờ đây ở nhà hay ở công sở hoặc nơi nào đó bất ngờ nghe những ca khúc Trịnh, tự dưng trong tôi lại gợn lên vấn đề "tiền bạc"! Điều mà khi còn sống Trịnh nhạc sĩ chẳng mấy khi đề cập đến.

Và đã nghĩ đến tiền-bạc thì hình ảnh của ông trong tôi bỗng hóa...hư không. Ôi, giá như tôi (và có lẽ nhiều người khác) đừng nghe nói đến điều mà tôi không cần phải nghe, thì có lẽ nhạc Trịnh và hình ảnh của ông vẫn lung linh, trong sáng như bao người đã từng nghĩ :

Ông không phải là của riêng ông hay gia đình ông, ông đã là một phần không thể thiếu của đời sống âm nhạc Việt thế kỷ 20, 21 và mãi về sau. Đó mới là thiêng liêng và tất cả...




nguồn: Tuanvietnam.net
  Trịnh Công Sơn:
> bài hát
> bài viết
> hình ảnh
> phỏng vấn
> bút tích
> dòng thời gian

Những người mến mộ:
> những kỷ niệm
> bài viết
> tưởng niệm
> tin tức
> sách
> lưu bút

Khánh Ly


Phố Xưa


- 20 bài mới nhất



Một hình ảnh ngẫu nhiên:






Gia Sư: Gia Đình + Sinh Viên
 
Address: www.SuuTap.com/TrinhCongSon - Collection: Hoang Truc Ly - Design & script: Sony Ho