tin tức




Ngậm Ngùi Huế Mậu Thân Kỷ Niệm Với Đất Khổ

--- Nguyễn Xuân Nghĩa ---


Vân Quỳnh kể Kỷ Niệm đóng phim

Năm đó, Vân Quỳnh còn rất bé. Cùng với người chị lớn là Quỳnh Giao, ba chị em tên Vân, con gái Dương Thiệu Tước và Minh Trang, là Vân Quỳnh, Vân Hoà và Vân Khanh đã.... bất kể tuổi thơ bước lên sân khấu Ritz của Joe Marcel tại Sàigon. Ban hợp ca “Bốn Phương” xuất hiện như vậy.

Người thường xuyên có mặt trong các buổi trình diễn ấy của bốn cô con gái là Minh Trang. Trong các nghệ sĩ trẻ ưa lai vãng nơi đó với Joe Marcel chính là Nam Lộc, một MC nổi tiếng ngày nay tại quận Cam.

Một hôm, khán giả ngồi dưới có Hà Thúc Cần và Lê Trọng Nguyễn.
Cả hai đang đầy ắp trong đầu những ý kiến về một cuốn phim sẽ dựng từ hai tác phẩm của Nhã Ca về Huế thời Mậu Thân. Và nghe rồi, Hà Thúc Cần đòi đi nghe lại, nghe lại mãi... Sau này mới nhờ Lê Trọng Nguyễn cùng khăn áo đi tới gặp Minh Trang vì một lý do rất long trọng mà nghiêm trọng: xin phép cho Vân Quỳnh đóng phim Đất Khổ!

Vai cô gái út trong nhà, cặp kè ông anh ruột nhạc sĩ do Trịnh Công Sơn đóng. Và tai họa đổ xuống đầu họ cùng với vụ Tổng tấn công Mậu Thân tại Huế.
Điều bất ngờ là Vân Quỳnh đóng rất được! Đó là nhận xét chung của mọi người, nhất là của chính đạo diễn Hà Thúc Cần. Có lẽ vì vậy mà sau này Vân Quỳnh là bà Hà Thúc Cần!

Năm đó là 1971, họ quay phim mất một tháng tại Huế và hai tháng tại Sàigòn, rồi biên tập và ghi âm thêm mấy tháng nữa, tràn qua mùa hè đỏ lửa năm 1972. Nhờ vậy mà có cảnh chạy loạn Huế có thêm cảnh chiến tranh thứ thiệt trên “ddại lộ kinh hoàng” do Hà Thúc Cần đích thân ra mặt trận thu hình, cực kỳ sống động.


Trước giờ quay cảnh chính trong “Giải Khăn Sô Cho Huế” tại Nhà Thờ Dòng Chúa Cứu Thế: Từ trái, Trịnh Công Sơn ngồi trước Vân Quỳnh, Bích Hợp; Hà Thúc Cần (đội mũ), phía sau là Xuân Hà và Lưu Nguyễn Đạt. Người đứng: nhạc sĩ Lê Thương trong vai Linh mục Phục; đứng kế là Kim Cương, vai bà mẹ điên hát ru xác con.

Bích Hợp đóng vai người mẹ, Trịnh Công Sơn là con trai lớn. Nhưng, mẹ nói tiếng Bắc, con trai lại rặt giọng Huế! Coi bộ không xuôi. Duy Trác được mời tới để “đắp” giọng vào đó! Khi Trịnh Công Sơn nói, thì đấy là tiếng Duy Trác, có khi giờ này luật sư Khuất Duy Trác cũng đã quên. Trong phim, nếu tinh ý, người ta còn nghe thấy tiếng hát Trịnh Vĩnh Trinh, em út của Trịnh Công Sơn, trước khi nàng nổi danh ca sĩ sau này.

Ý tưởng về truyện phim là từ Hà Thúc Như Hỷ. Phân cảnh kỹ thuật do Hà Thúc Cần. Nhưng kịch bản phim và đối thoại hoàn toàn là chữ nghĩa Nhã Ca. Chuyện Mậu Thân dựa trên “Giải Khăn Sô Cho Huế” và khai triển thêm từ “Tình Ca Trong Lửa Đỏ” (khi công quân chiếm nhà, người phải đi trốn, thay vì chàng sĩ quan VNCH trong truyện, trở thành một chàng Mỹ trong phim). Không thể nào bắt trật được cái khí hậu bi thảm của Huế trong mùa chết chóc.

Cảnh chạy loạn được mô tả trong Giải Khăn Sô Cho Huế -từ nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế của cha Phục tới Cung An Định của Từ Cung Thái Hậu mẹ vua Bảo Đại- trở thành những hình ảnh sống động, với Bích Hợp, đệ nhất đào thương sân khấu Bắc Kỳ và Kim Cương, đệ nhất đào thương sân khấu miền Nam. Trong phim, Kim Cương xuất hiện có vài phút chớp nhoáng đã choáng cả màn ảnh qua vai người đàn bà điên dại ôm tử thi của đứa con mà cứ tưởng nó còn sống. Nhà giáo, nhạc sĩ lão thành và nghệ sĩ siêu hạng là Lê Thương thủ vai linh mục Phục, xuất thần! Trong một cảnh khác, còn có cả nhà văn Sơn Nam đóng vai tay chơi buôn đồ cổ. Khó có ai hơn. Thêm cả kịch tác gia Trần Lê Nguyễn, tác giả “Bão Thời Đại”. Nói chung, các nghệ sĩ tài tử đều đóng rất hay, và đấy là nhờ con mắt đạo diễn của Hà Thúc Cần.

Lê Thương, Hà Thúc Cần, Trịnh Công Sơn, Lê Trọng Nguyễn, Trần Lê Nguyễn... nay đã thành người thiên cổ. Hơn ba chục năm rồi còn gì.

Nhớ lại như vậy, Đất Khổ là tác phẩm thật sự tổng hợp một số tinh hoa miền Nam thời ấy để kể lại nỗi day dứt của người dân trước giấc mơ hoà bình và thực tại sắt máu. Sắt máu nhất là thái độ và hành động của cán binh Cộng sản tại Huế. Nhưng khi hoàn thành, nội dung oán thán chiến tranh khiến tác phẩm bị đánh giá là phản chiến. Và bị Chính quyền Sàigòn cấm chiếu! Mặc dù như vậy, sau 1975, nó vẫn có mặt trong Viện Bảo tàng Tội ác Chiến tranh Mỹ-Ngụy của Cộng sản. Như một tang chứng! Oái oăm.

Nhiều người trong cuộc có lẽ đã không được xem phim này, nên chẳng còn nhớ gì. Nhưng tác phẩm ấy thực ra vẫn còn sống! Nó đang được bán trên Internet. Hãy vào Amazone.com thì có.


Cảnh quay phim tại Huế 1971, đoàn làm phim nghỉ trưa bên đường. Từ trái: Trịnh Công Sơn, Trần Lê Nguyễn đang ăn, Nhã Ca, Minh Trang, Lê Trọng Nguyễn. Góc cuối, đạo diễn Hà Thúc Cần (mũ, kính đen)...

Từ miền Đông Hoa Kỳ, Dương Hồng Phong, con trai Dương Thiệu Tước và Minh Trang, đã mua được phim này để gửi tặng Vân Quỳnh tại miền Tây. Người sĩ quan từng bị tù cải tạo và phải vượt biên cùng mẹ lại thấy ngạc nhiên: cuốn phim do em gái mình đóng, với sự đồng ý và giám sát của mẹ, lại “tái sinh” tại Mỹ, với mẫu cờ đỏ sao vàng ngoài bìa!

Sẽ thiếu nếu không kể tới nguồn tài chính: một doanh gia có đủ tiền tài, nhất là sự ân cần với các nghệ sĩ, đã bỏ tiền thực hiện bộ phim. Trong phim có dòng chữ “Une production de Nguyễn Bá Hùng”. Thời làm phim, ông Hùng đã an cư từ lâu tại Pháp. Hiện ông vẫn sống tại Paris trong một quán ăn Việt Nam thuộc loại thanh lịch nhất, có hầm rượu rất nổi tiếng. Ông đã cho bộ phim - và tất cả - vào một góc ký ức, như chuyện tiền kiếp...

Chỉ vì sau cơn tao loạn, một người Mỹ đã mua lại cuốn phim và gần đây mới cho phổ biến. Với trình độ văn hoá điển hình của người Mỹ khi làm và nói về Việt Nam, họ chỉ hiểu đến thế mà thôi! Nên Đất Khổ bị cắm cờ oan khiên đến hai lần.

Bốn mươi năm tưởng nhớ biến cố Huế Tết Mậu Thân, có thể coi phim, đọc sách. “Giải Khăn Sô Cho Huế” lần đầu chính thức ấn hành tại hải ngoại, sẽ được phát hành từ tháng 2-2008. Sách 640 trang, bìa cứng. Ngoài bút ký chạy loạn, còn gom tất cả chữ nghĩa Nhã Ca viết về Huế Tết Mậu Thân, gồm truyện dài “Tình Ca Trong Lửa Đỏ” và nhiều bút ký, truyện ngắn trong tập truyện “Tình Ca cho Huế Đổ Nát.” Phim thì đã thành DVD mang tựa đề kiểu Mỹ “DAT KHO” với bìa bao cờ đỏ sao vàng đang bán trên Amazone.com.

Có thể xem lại Đất Khổ và gửi lại cho những người đã thực hiện tác phẩm này một lời cảm tạ bùi ngùi khi cùng nhớ về Huế, đúng bốn mươi năm trước...



nguồn: Việt Báo
  Trịnh Công Sơn:
> bài hát
> bài viết
> hình ảnh
> phỏng vấn
> bút tích
> dòng thời gian

Những người mến mộ:
> những kỷ niệm
> bài viết
> tưởng niệm
> tin tức
> sách
> lưu bút

Khánh Ly


Phố Xưa


- 20 bài mới nhất



Một hình ảnh ngẫu nhiên:






Gia Sư: Gia Đình + Sinh Viên
 
Address: www.SuuTap.com/TrinhCongSon - Collection: Hoang Truc Ly - Design & script: Sony Ho