những kỷ niệm




Vì chuyện Diễm… đã xưa

--- Thái Kim Lan ---


“Diễm Xưa” của Trịnh Công Sơn đã cất tiếng gần nửa thế kỷ, nhưng Diễm có “xưa” không? Có nhiều người cho rằng nên để cho Diễm Xưa mờ ảo, nhạc Trịnh mới mãi hoài mông lung… Đưa Diễm Xưa từ bức họa tài hoa của Trịnh bước vào đời phải chăng có tội với thi nhân, với người trước với người sau? Nhưng… Đã biết Diễm Xưa của ngày xưa thì cũng nên biết Diễm Xưa của ngày nay chứ. Và có lẽ nên biết thêm một điều mà chúng ta thường không thích biết: thời gian! Và thêm một điều mà chúng ta rất sợ, đó là tuổi già. Chúng ta yêu tuổi thanh xuân và choáng váng trước vẻ đẹp son trẻ đến nỗi chỉ mơ ước vĩnh viễn huyền thoại che giấu tất cả đổi thay.

Chúng ta nghĩ rằng: sắc đẹp thuộc phạm trù "Không già, Không chết" và khai trừ mọi vẻ đẹp khác không thuộc pham trù ấy. Chúng ta ngợi ca làn da trơn tru là đẹp, và không dám nhìn nếp nhăn, tóc bạc. Mọi xấu xí dành cho tuổi già, chúng ta che mắt không dám nhìn “hao gầy”, “lưng cong”. Và như thế mỗi người tự xây cho mình một bức tường kiên cố về Huyền thoại tuổi trẻ... Huyền thoại trở nên Ảo thoại, Ảo tưởng. Trong tâm thức ấy, chúng ta nghe nhạc Trịnh Công Sơn và ảo hoá nhạc Trịnh cũng như Diễm Xưa thuộc vào cung trời của thanh xuân. Chỉ đúng một phần! Và như thế chúng ta từ chối một vẻ đẹp khác trong nhạc Trịnh và lời ca của Trịnh: Lời và âm của nhạc Trịnh không dừng lại ở tuổi thanh xuân mà thẩm thấu đến mọi tầng lớp thời gian của đời người, bao trọn hết đời người.

Ca từ và âm giai nhạc Trịnh mang nặng trầm tư sâu thẳm của một con người rung động tận cùng tính vô thường. Từ nhạy cảm cùng tột ấy, Trịnh Công Sơn khám phá và sáng tạo thẩm mỹ thời gian. Nếu lắng nghe Diễm Xưa và những bài ca của Trịnh, và nhất là Diễm Xưa, chúng ta lắng nghe tiếng thời gian không dừng lại ở thanh xuân, mà chính trong thanh xuân đã âm vang cổ độ, bởi thế nên Diễm của tuổi hai mươi mà đã là Diễm của nghìn năm trước: Xưa rồi Diễm!!!, chính âm vang của "thành quách cũ" trong hồn hiện tại, chính nỗi buồn cũ kỹ trong âm "Xưa" đã làm khúc ca vượt thời gian. "Diễm Xưa" trẻ mà già và già mà trẻ trong thẩm mỹ vô thường. Thẩm mỹ vô thường của Trịnh Công Sơn không môi son má phấn, mà "dài tay em mấy thuở mắt xanh xao", không phải mùa xuân hoa lá của lâu đài tình ái mà là những "cơn mưa trên từng tháp cổ", những nhớ nhung “trong cơn đau vùi"...

Từ những rung cảm "xanh xao", vàng úa, từ cõi hồn xót xa, có thể nói, nhạc Trịnh đã đem đến cho chúng ta một cảm nhận chân thực về thời gian, đưa chúng ta trở lại rung cảm "thật thà" của trái tim, khám phá và cảm nghiệm vẻ đẹp cao quý của những xao xuyến giày vò giữa khổ đau và hạnh phúc, một vẻ đẹp khác, không dừng lại nơi lộng lẫy thanh xuân và từ đó vượt thời gian của giới hạn ngăn cách - do chính ta tạo nên để tự làm khổ mình - mà "yêu em yêu luôn tình phụ", yêu Diễm hôm nay mà đã yêu Diễm từ nghìn xưa, hơn nữa, còn yêu Diễm mai sau, mà Diễm mai sau có phải là nàng Diễm hôm nay của "thất thập cổ lai hi"? Làm cho chàng trai trẻ trong những ông già một thời “Diễm” ấy thất vọng?

Nghệ sĩ "từ bi" ("yêu em lòng chợt từ bi bất ngờ") là nghệ sĩ đã đạt đạo con người, từ đó sáng tạo thẩm mỹ vượt thời gian. Vượt thời gian có nghĩa ôm tròn sống và chết, trẻ và già, hạnh phúc và khổ đau.

28-04-2010



nguồn: tcs-home.org
  Trịnh Công Sơn:
> bài hát
> bài viết
> hình ảnh
> phỏng vấn
> bút tích
> dòng thời gian

Những người mến mộ:
> những kỷ niệm
> bài viết
> tưởng niệm
> tin tức
> sách
> lưu bút

Khánh Ly


Phố Xưa


- 20 bài mới nhất



Một hình ảnh ngẫu nhiên:






Gia Sư: Gia Đình + Sinh Viên
 
Address: www.SuuTap.com/TrinhCongSon - Collection: Hoang Truc Ly - Design & script: Sony Ho