tin tức




Khi guitar hát nhạc Trịnh

--- Hoàng Thảo ---


TTCN - Nhạc Trịnh đã được thể hiện dưới nhiều hình thức khí nhạc nhưng nay mới có người chuyển soạn và độc tấu guitar một số ca khúc của ông. CD Góp lá mùa xuân sẽ được phát hành vào đầu tháng chín tới (*).

Một ca khúc khi chuyển thể sang nhạc cụ độc tấu phải làm sao vừa khai thác được khả năng kỹ thuật cũng như hòa âm của nhạc cụ, vừa đem lại cho người thưởng ngoạn những cảm xúc mới mẻ đối với những tác phẩm mà công chúng đã quá quen thuộc. Đó là một thách thức đối với người chuyển soạn.

Thách thức ấy càng lớn hơn khi Trần Hoài Phương chọn các ca khúc của Trịnh Công Sơn để thể hiện trong khi nhạc Trịnh là một khối hòa quyện khó tách rời giữa giai điệu và ca từ. Bằng cách sáng tác thêm những dạo khúc và những đoạn gian tấu phù hợp để dẫn dắt và nối kết các ý nhạc trong giai điệu Trịnh Công Sơn, sử dụng các tầng lớp hòa âm tinh tế để tăng sức biểu cảm thay cho ca từ; cùng với xử lý kỹ thuật guitar đúng chỗ, Phương đã giải quyết được những vấn đề nan giải đó.

Nếu như ca khúc Góp lá mùa xuân mở đầu CD này phảng phất chất nhạc baroque qua những hợp âm rải (arpeggio) tiết tấu nhanh uốn lượn quanh giai điệu thì với tiết tấu swing nhún nhảy và những nhịp chỏi nghịch ngợm cùng với những đoạn pizzicato mô phỏng tiếng đàn contrebass của nhạc jazz, Phương đã đem lại một sắc thái đặc biệt cho ca khúc Con mắt còn lại của Trịnh Công Sơn.

Chất trầm tư tự sự của Lặng lẽ nơi này càng thêm da diết khi tương phản với Em đi trong chiều đầy say đắm. Người nghe sẽ khám phá nhiều điều thú vị khi nghe lại Ru em, Vẫn có em bên đời, Trong nỗi đau tình cờ, Đời gọi em biết bao lần, Tôi đang lắng nghe và Em còn nhớ hay em đã quên qua tiếng đàn guitar độc tấu của Trần Hoài Phương.

Học đàn từ năm 10 tuổi, Phương chơi guitar cùng bạn bè cho đến những ngày đầu tiên tại giảng đường đại học. Anh được giới thiệu đến học với danh cầm guitar Phùng Tuấn Vũ và theo anh, đây là mốc quan trọng trong việc định hình một tình yêu ban đầu đối với âm nhạc cổ điển. Năm 1983, rời Đại học Bách khoa sau hai năm học tập, anh đã trở thành người đầu tiên đậu vào hệ đại học chính qui bộ môn guitar Nhạc viện TP.HCM mà không qua đào tạo trung cấp.

Tốt nghiệp năm 1989, một lần nữa Phương muốn thử sức mình tại một môi trường khác. Trải qua năm năm tại khoa ngoại thương Đại học Kinh tế TP.HCM, Phương có may mắn được đến Pháp tu nghiệp trong năm cuối. Có lẽ chính tại đây, những cảm nhận về âm nhạc của anh trở nên sâu sắc hơn và qua đó chợt nảy ra ý tưởng chuyển soạn một số ca khúc VN một cách nghiêm túc cho guitar cổ điển.

Trở về nước, Phương chọn 10 bài Trịnh Công Sơn để thực hiện ý định của mình nhưng mãi đến nay mới có điều kiện thu âm. Hiện công tác tại Ngân hàng Standard Chartered (TP.HCM), anh vẫn cố dành thời gian để cầm đàn như một đam mê riêng của bản thân.

Người Tây Ban Nha đã trìu mến đặt tên cho sáu dây guitar từ thấp lên cao như sau: dây mi trầm (E) là Esposo (chồng), dây la (A) là Amor (tình yêu), dây re (D) là Dulce (nhẹ nhàng, êm ái), dây sol (G) là Guitarra (đàn guitar), dây si (B) là Beso (nụ hôn), và dây mi cao (cũng là E) được gọi là Esposa (vợ). Chất lãng mạn của tiếng đàn guitar gỗ và ca khúc Trịnh Công Sơn có thể coi là một cuộc hôn phối âm nhạc đẹp đẽ. Và điều đó phần nào đã được chứng tỏ trong CD Góp lá mùa xuân.

------------------
(*) Hãng phim Phương Nam và Trung tâm Văn hóa quận Phú Nhuận sẽ tổ chức một chương trình guitar cổ điển để giới thiệu CD Góp lá mùa xuân vào ngày 7-9 với sự tham gia của các guitarist Trần Hoài Phương, Nguyễn Trí Đoàn, Trần Phương Quang và Phạm Thành Lộc.



nguồn: tuoitre.com.vn
  Trịnh Công Sơn:
> bài hát
> bài viết
> hình ảnh
> phỏng vấn
> bút tích
> dòng thời gian

Những người mến mộ:
> những kỷ niệm
> bài viết
> tưởng niệm
> tin tức
> sách
> lưu bút

Khánh Ly


Phố Xưa


- 20 bài mới nhất



Một hình ảnh ngẫu nhiên:






Gia Sư: Gia Đình + Sinh Viên
 
Address: www.SuuTap.com/TrinhCongSon - Collection: Hoang Truc Ly - Design & script: Sony Ho