tưởng niệm




Thương tiếc nhạc sĩ Trịnh Công Sơn

--- Nguyễn Văn Hiên ---


Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn quê ở Hương Vinh, TP Huế, sinh ngày 28-2-1939 tại Đác Lắc. Suốt thời thơ ấu, anh đã gắn bó với Huế yêu thương. Tốt nghiệp đại học Sư phạm Quy Nhơn, có một thời anh dạy học để mưu sinh.

Thời trẻ, như anh từng tâm sự - "tôi rất yêu âm nhạc nhưng tuyệt nhiên trong tôi không hề gợi lên cái ham muốn trở thành nhạc sĩ"... Khi còn là một cậu bé mười tuổi, anh đã rất thích hát ca, biết xướng âm, ưa chép lại những bài hát yêu thích để đóng thành tập, biết chơi đàn mandolin và sáo trúc. Năm mười hai tuổi, anh có cây đàn guitar đầu tiên và nó đã trở thành loại nhạc cụ quen thuộc của anh trong sáng tác cũng như khi tự đệm cho chính mình ca hát. Anh từng viết: "Tôi không đến với âm nhạc như một kẻ chọn nghề. Tôi nhớ mình đã viết những ca khúc đầu tiên từ những đòi hỏi tự nhiên của tình cảm thôi thúc bên trong... Đó là những năm 1956-1957, thời của những giấc mộng ngổn ngang, của những viễn tưởng phù phiếm non dại".

Năm mười chín tuổi, Trịnh Công Sơn khởi đầu sự nghiệp âm nhạc của mình bằng tác phẩm đầu tay: Ướt mi (1958) qua tiếng hát Thanh Thúy. Những năm về sau, trong anh mới bắt đầu hình thành một quan niệm rõ rệt: "Sống là sống với người khác, và muốn có cảm thông, chúng ta phải luôn luôn tự diễn đạt mình".

Chính trong giai đoạn này, anh đã để lại cho đời nhiều tác phẩm nổi tiếng được in trong các tập tình khúc Trịnh Công Sơn như "Cánh vạc bay", "Khói trời mênh mông", "Ca khúc Da vàng", "Kinh Việt Nam", "Ta phải thấy mặt trời", "Lời đất đá cũ"... Anh đã tạo được một dòng nhạc phản chiến qua các ca khúc trong tập "Ca khúc Da vàng", "Ta phải thấy mặt trời"... góp phần trong phong trào Hát cho đồng bào tôi nghe của sinh viên, học sinh các đô thị miền nam thời giặc tạm chiếm. Đặc biệt, ca khúc Nối vòng tay lớn đã được chọn hát trên Đài Tiếng nói Nhân dân TP Hồ Chí Minh ngay trưa 30-4-1975.

Sau ngày đất nước thống nhất, Trịnh Công Sơn tiếp tục sáng tác nhiều ca khúc nổi tiếng gắn liền với những giai đoạn chuyển mình của dân tộc như: "Em còn nhớ hay em đã quên", "Em ở nông trường em ra biên giới", "Huyền thoại Mẹ", "Thành phố Mùa xuân", "Nhớ mùa thu Hà Nội", "Sóng về đâu", "Một cõi đi về"... Năm 1991, trước tình hình nhạc nước ngoài lấn chiếm ca khúc trong nước, anh đề xướng lập nhóm nhạc sĩ sáng tác mang tên "Những người bạn", tổ chức nhiều chương trình biểu diễn các ca khúc trong nước, tổ chức Câu lạc bộ Nhạc sĩ tại Nhà Văn hóa Thanh niên TP Hồ Chí Minh; đồng thời gặp gỡ giao lưu với công chúng yêu nhạc ở nhiều tỉnh, thành phố trong nước. Những đóng góp của nhóm nhạc sĩ "Những người bạn" là tiền đề góp phần với nhiều hoạt động của Hội Âm nhạc TP Hồ Chí Minh, Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh, Đài Tiếng nói Nhân dân TP Hồ Chí Minh... trong việc giành lại thế đứng của âm nhạc Việt Nam trong những năm gần đây.

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã được tín nhiệm bầu vào Ban chấp hành Hội Âm nhạc TP Hồ Chí Minh liên tục trong ba nhiệm kỳ I, II và III. Anh còn là ủy viên BCH Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật TP Hồ Chí Minh. Anh đã để lại một gia tài ca khúc khá lớn, có ảnh hưởng đến nhiều thế hệ nhạc sĩ trẻ và công chúng yêu nhạc.

Trịnh Công Sơn đã trở về cùng đất mẹ. Xin thắp một nén hương tưởng nhớ đến người anh cả trong nhóm nhạc sĩ "Những người bạn" và tiễn anh về cõi vĩnh hằng.



nguồn: bạn đọc góp bài
  Trịnh Công Sơn:
> bài hát
> bài viết
> hình ảnh
> phỏng vấn
> bút tích
> dòng thời gian

Những người mến mộ:
> những kỷ niệm
> bài viết
> tưởng niệm
> tin tức
> sách
> lưu bút

Khánh Ly


Phố Xưa


- 20 bài mới nhất



Một hình ảnh ngẫu nhiên:






Gia Sư: Gia Đình + Sinh Viên
 
Address: www.SuuTap.com/TrinhCongSon - Collection: Hoang Truc Ly - Design & script: Sony Ho