tin tức




Nghĩ về cách hát nhạc Trịnh 2

--- Nhiều tác giả ---


Đừng "giết" những cái gì vốn đã có một đời sống riêng

TTO - Từ bài báo Nhạc Trịnh: có thể phá cách đến đâu?, tòa soạn TTO đã liên tục nhận email của bạn đọc (*) từ khắp nơi gửi về để bày tỏ nỗi bức xúc của mình khi phải nghe nhạc Trịnh bị "phá phách". Xin trích đăng một số ý kiến của độc giả yêu nhạc Trịnh:
Mỗi dòng nhạc có một đời sống của nó. Chúng ta không thể dùng cách này hay cách khác để làm thay đổi đời sống của nó. Nhạc Trịnh là một thí dụ, chúng ta yêu nó từ bao nhiêu năm nay. Chất thơ, chất thiền và tính triết lý của nó, với cách diễn đạt hết sức mộc mạc, không kiểu cách và cầu kỳ.
Ở đây, tôi chỉ thấy sự phá cách chỉ là nhằm tôn vinh cái tôi của mình, một lối "chơi nổi" ( như lời Thanh Lam ) không đúng chỗ. Nếu muốn tự đề cao mình thì hãy tự soạn cho mình những bài hát theo phong cách ấy, chứ đừng "giết" những cái gì vốn nó đã có một đời sống riêng của nó.
Từ ngày ban nhạc ABBA đặt ra bản nhạc Happy new year nổi tiếng trên toàn thế giới, thì bất cứ nước nào, bất cứ ai cũng ca theo một kiểu của người sinh ra nó. Một bài ca đã làm biết bao nhiêu người nao lòng khi ngậm ngùi tiễn năm cũ và vui mừng đón nhận năm mới.
Tôi chưa thấy ai phá cách bài này mà mà được mọi người khen cả và hình như cũng không ai dám phá cách cả. Đừng nhân danh một tình yêu mà giết chết nhạc sĩ Trịnh công Sơn một lần thứ hai.

THANG VO

Có cần làm phức tạp lên một cái gì đang rất đơn giản nhưng rất đẹp?

Tôi hiểu, việc cảm thụ và diễn đạt một tác phẩm, một dòng tác phẩm âm nhạc có thể theo nhiều cách khác nhau, tùy thuộc vào sự hòa quyện giữa người sáng tác, người hát, người nghe; nhưng, trên tất cả phải là những gì đang tồn tại đã được thời gian sàng lọc và thừa nhận.
Công chúng qua từng thời đại có thể khác đi, sự cảm thụ rồi cũng sẽ có thay đổi; song, vượt trên những thay đổi đó phải có sự tồn tại của những giá trị vĩnh hằng của nghệ thuật đã được thừa nhận; vì nếu không như thế, những giá trị nghệ thuật của nhân loại sẽ không còn.
Trong âm nhạc, tôi nghĩ, chắc cũng phải như vậy. Có biến tấu tới đâu, chắc là cũng khó nghe Le clair de la lune theo giai điệu pop rock, và ngược lại, nghe hợp xướng bài Sài Gòn đẹp lắm! Tôi vẫn còn rất nhớ một cách sâu sắc sau rất nhiều năm những rung cảm của mình khi lần đầu tiên, trên căn gác trọ nghe những bản nhạc trong "Ca khúc da vàng" của anh Trịnh, sau đó là những rung cảm của mình khi nghe những bản tình ca với giai điệu đơn giản, mộc mạc nhưng đẹp, và vượt lên giai điệu là ca từ rất sang trọng, rất nhân văn, rất "thiền".
Từ đó, luôn luôn trong tôi, sự đồng cảm với Nhạc Trịnh gắn liền với sự đơn giản trong cách thể hiện và chiều sâu của nội dung ; vì theo cách suy nghĩ của tôi, nhạc của anh Trịnh Công Sơn là như vậy, "bây giờ và mãi mãi".
Thế hệ của chúng tôi có thể có những nhu cầu về văn hóa nói chung, âm nhạc nói riêng khác với thế hệ hiện tại. Nhưng dù sao, vượt trên mọi thử nghiệm, cần thiết hay không cần thiết, cũng nên bình tâm suy xét lại cách thức ta đang làm về nghệ thuật âm nhạc trước công chúng.
Tôi nghĩ, công chúng chỉ nhận biết ai hát nhạc của ai hay hơn ai khi họ thật sự rung cảm khi nghe một người hát bài hát của nhạc sĩ mà họ yêu thích; và đó phải là một công chúng thực sự, chứ không phải một công chúng theo phong trào của các sàn diễn.
Có cần gào thét khi âm nhạc của Trịnh Công Sơn không sáng tác để gào thét? Có cần làm phức tạp lên một cái gì đang rất đơn giản nhưng đang rất đẹp? (như một câu ngạn ngữ Pháp). Tôi nghĩ, chúng ta cần phải bình tâm, đừng cuốn theo những dòng chảy trên bề mặt, "nước chảy, rơm rác trôi đi nhưng đá tảng nằm lại"

VÕ PHAN

Dùng nhạc Trịnh như một phương tiện đánh bóng tên tuổi?

Nhạc Trịnh quá nổi tiếng, hẳn rồi, nên quá nhiều người muốn hát, cũng tốt thôi. Nhưng cũng có nhiều ca sĩ biết mình không thể diễn đạt được hồn nhạc Trịnh vẫn cứ sủ dụng nhạc Trịnh như là một phương tiện, không hơn không kém, để phục vụ cho việc đánh bóng tên tuổi của mình trước công chúng. "Phá cách", "làm mới" nhạc Trịnh, những mỹ từ đó chỉ là ngụy biện, che đậy cho động cơ "làm mới" cho chính bản thân ca sĩ. Những Phương Thanh, Hồ Ngọc Hà, Đàm Vĩnh Hưng... mà hát nhạc Trịnh thì đúng là ...phá phách nhạc Trịnh!

PHƯƠNG MINH

Đừng đánh giá thấp khán giả yêu nhạc Trịnh

Thanh Lam là ca sĩ hàng đầu của VN, điều đó không ai phủ nhận. Chị hát rất thành công nhiều bài hát và có không ít những bài hát đã gắn liền với tên tuổi chị mà nhiều ca sĩ khác không thể nào làm thay đổi được điều đó khi trình bài lại các ca khúc này. Giọng hát chị được đánh giá rất cao trong làng ca nhạc VN. Tuy nhiên với album mới của chị về nhạc Trịnh chị đã gây một cảm giác bức xúc cho những ai đã từng yêu nhạc Trịnh.
Nếu Thanh lam bảo chị trình bày nhạc Trịnh theo phong cách như album Này Em Có Nhớ để có thể "qua" được Khánh Ly thì không phải chỉ là sai lầm mà còn là "không hiểu về nhạc Trịnh". Thanh Lam có biết vì sao nhạc Trịnh có thể vượt thời gian để làm say mê bao nhiêu người của những thế hệ khác nhau không? Và vì sao cho mãi đến ngày hôm nay có rất nhiều ca sĩ hát nhac Trịnh mà không ca sĩ nào có thể "qua" được Khánh Ly không? Nếu Thanh Lam hiểu được nhạc Trịnh thì Thanh Lam sẽ có câu trả lời.
Đối với công chúng yêu nhạc Trịnh, nhạc của ông cần được thể hiện một cách chân phương mộc mạc không cầu kỳ không cần dùng kỹ thuật điêu luyện cao siêu gì. Nó cần sự sâu lắng, nó làm người nghe gửi gắm cả tâm tư của mình vào đó.
"Khán giả có phản ứng khác nhau là chuyện bình thường. Tôi chỉ hơi buồn nếu người trong nghề cũng không nhìn nhận đúng lao động nghệ thuật của chúng tôi", lời phát biểu này của Thanh Lam quả là đánh giá thấp khán giả yêu nhạc Trịnh rồi. Nhạc Trịnh sống mãi trong lòng nhiều người cho đến ngày hôm nay chính là nhờ sự cảm nhận sự đánh giá của công chúng chứ không phải chỉ nhờ vào một hội đồng nghệ thuật nào đâu.
Nếu muốn thể hiện sự điêu luyện về kỹ thuật, sự diễn xuất cao siêu của mình khi hát chị nên chọn loại nhạc khác chứ không phải nhạc Trịnh. Ai cũng cần một chiếc gương mới thấy được rõ gương mặt mình, đẹp chổ nào, khiếm khuyết chỗ nào, lời của khán giả dành cho Thanh Lam cũng giống như chiếc gương để giúp chị có cái nhìn rõ hơn về mình. Đó là lời góp ý chân tình từ khán giả yêu mến chị cũng như giọng hát của chị.

KIM LY

Đừng dùng kỹ thuật "đàn áp" nhạc Trịnh

Người nghệ sĩ thường có một điểm chung: đó là cái tôi của họ quá lớn. Quá lớn nên không chịu giống người khác, muốn mình là riêng biệt, là đặc trưng chứ không phải là bản sao của ai. Do vậy họ luôn tìm cách sáng tạo ra cái mới, trong vô vàn cái mới đó sẽ phát hiện được một vài cái hay. Nếu chỉ vì thấy một số cái mới không hay ban đầu mà vội cấm người nghệ sĩ tiếp tục sáng tạo thì làm sao tìm được cái hay.
Riêng tôi thì cảm nhận như thế này: Nhạc Trịnh chủ yếu cảm nhận ở cái "hồn", chứ không phải ở kỹ thuật xử lý giọng (được tu luyện trong các nhạc viện). Khi hát Trịnh, ca sĩ nào quá chú ý đến xử lý giọng hát thì rất dễ gây khó chịu cho người nghe. Chị không nên ỷ lại mình có chất giọng khỏe, kỹ thuật hát tuyệt vời mà dùng nó để "đàn áp" nhạc Trịnh thì...tội ông quá.

NGUYỄN VŨ KIM NGÂN

Làm hỏng nhạc Trịnh!

Bạn đã nghe Này em có nhớ, CD mới nhất của ca sĩ Thanh Lam chưa? Nếu chưa, đừng nghe. Một người bạn của tôi, người yêu tiếng hát Thanh Lam đã nức nở trao cho tôi CD trong sự nghẹn ngào mà không nói lời nào, chỉ viết mấy chữ: “Nghe đi rồi phê bình sau!”. Bạn biết tôi là người mê nhạc Trịnh Công Sơn, nên cho tôi nghe Này em có nhớ chăng? Thoạt đầu tôi nghĩ thế, sau đó, tôi tiếc là đã nhận cuốn CD này để nghe.
Album Này em có nhớ có 7 bài, sau khi nghe, tôi kết luận là “May quá, chỉ có 7 bài mà tâm, thân của tôi đã ê ẩm vì bị tra tấn bằng bao nhiêu là thứ "binh khí", "gươm đao". Thanh Lam và các nhạc sĩ Lê Minh Sơn (biên tập), Trần Mạnh Hùng (phối khí) đã làm hỏng 7 bài của Trịnh: 1) Em hãy ngủ đi. 2) Một cõi đi về. 3) Này em có nhớ. 4) Biển nhớ. 5) Em còn nhớ hay em đã quên. 6) Phôi pha. 7) Lặng lẽ nơi này.
Nghe album này, người nghe phải có đủ nội lực, thể lực và khí lực. Tiếng nhạc rú lên, véo von, lục cục, loảng xoảng cộng với giọng hét, gào của cô ca sĩ trong bài “Một cõi đi về” (Bài thứ 2) đã… đánh trọng thương người nghe!
Ca khúc Này em có nhớ (Bài thứ 3), bài hát làm chủ đề, Thanh Lam đã đổi lời tùy tiện, biến chữ “em” thành “anh”… nhiều đoạn thật ngô nghê vì theo nguyên tác, chữ “em” Trịnh Công Sơn đã nói lên sự phụ bạc của người con gái, khiến nhân vật “tôi” hay “anh” trong bài nhạc phải mang một nỗi buồn riêng, rất đàn ông.
Ca sĩ Thanh Lam, có lẽ có cùng mối cảm hoài với tâm trạng của mình, với đời sống tình cảm của mình, nên “ép” các nhân vật đổi giới tính như vậy là trái sinh lý. “Anh” Thanh Lam cứ thế mà vỗ về, giận dỗi, ghen tuông (?) một “em” đàn ông nào đó, nghe bịnh hoạn vô cùng.
Bài Em còn nhớ hay em đã quên (Bài thứ 5), Thanh Lam lại đổi lời đến 2 lần cho một phiên khúc, khiến câu hát trở nên vô nghĩa và bị chết cứng. Câu “…Có bóng dừa, có câu hò, có con đò, chở mưa nắng đi…” đẹp biết bao chữ “con đò” bị Thanh Lam đổi thành “con đường”… chở mưa nắng đi. Con đường nằm yên chứ làm sao mà chở cái gì đi được hả giời? Hình ảnh một con đò nhọc nhằn nắng mưa, cùng với người dân chài, lướt đi dưới bóng dừa, với câu hò...bị thay thế như vậy, còn gì là Trịnh Công Sơn?
Rải rác trong từng bài nhạc, lối phát âm méo mó, cao giọng, hạ trầm, sai lệch hẳn những nét nhạc nguyên bản của Trịnh Công Sơn, tạo ra những phiên bản dị dạng, vụng về, thô kệch, sáo rỗng...mà chỉ có Thanh Lam mới dám làm.
Âm nhạc nói chung, và nhất là nhạc Trịnh Công Sơn là một cõi riêng, rất gần mà cũng rất thiêng liêng cho không chỉ giới ca/ nhạc sĩ khi trình bày, hòa âm phối khí, mix… mà còn có sự đón nhận của người thưởng ngoạn.
Những ca khúc của Trịnh Công Sơn đã trở nên những “khuôn vàng thước ngọc” cho những ai biết giá trị đích thực của chúng, sẵn sàng “thanh tịnh” để đến gần, mở ra, và chia sẻ. Đó là điều quí, nên làm. Như Khánh Ly đã đơn giản trong lời hát, cách trình bày… để nói lên được khía cạnh khốc liệt, bi thảm của chiến tranh trong nhạc Trịnh. Như Hồng Nhung đã nhí nhảnh, trong sáng với tình yêu trong nhạc Trịnh. Và gần đây, thân phận của con người được nâng đỡ, ủi an bằng nhạc Trịnh qua tiếng hát Thu Phương.
Còn Thanh Lam? Làm mới? Không. Thanh Lam đã làm hỏng. Hỏng nhạc Trịnh. Hỏng tai người nghe.

THANH NGUYÊN



nguồn: www.tuoitre.com.vn
  Trịnh Công Sơn:
> bài hát
> bài viết
> hình ảnh
> phỏng vấn
> bút tích
> dòng thời gian

Những người mến mộ:
> những kỷ niệm
> bài viết
> tưởng niệm
> tin tức
> sách
> lưu bút

Khánh Ly


Phố Xưa


- 20 bài mới nhất



Một hình ảnh ngẫu nhiên:






Gia Sư: Gia Đình + Sinh Viên
 
Address: www.SuuTap.com/TrinhCongSon - Collection: Hoang Truc Ly - Design & script: Sony Ho