tưởng niệm




Âm nhạc Trịnh Công Sơn – Lăng kính muôn màu!

--- Nguyễn Hữu Thái Hòa ---


LTS: Thái Hòa là một cộng tác viên ở Hải ngoại. Cũng là tác giả kiêm ca sĩ -biên tập-thiết kế của bốn Album Nhạc Trịnh đã phát hành ở Việt Nam : Về nơi cuối trời (2001), Chiếc lá thu phai (2003), Cõi tình Trịnh Công Sơn – Phúc Âm buồn (2004) và Lặng lẽ nơi này (2005). Dù là kẻ ngoại đạo của nghiệp cầm ca nhưng anh xem nhạc Trịnh như là một lẽ sống riêng, một “nền văn hóa” mang tính nhân văn tiêu biểu cho tâm hồn người Việt. Mấy năm qua, anh đã cùng bạn bè trong và ngoài nước thực hiện và vận động nhiều chương trình trình diển và các dự án nghiên cứu, phát triển, gìn giữ gia tài âm nhạc của người nhạc sĩ thiên tài này.

Chúng tôi xin giới thiệu bài viết mới nhất của anh về chủ đề này.


Nhạc Trịnh – như “Kính Vạn Hoa” trong thời buổi kinh tế thị trường !

Trong chuyến công tác ghé về Việt Nam trung tuần tháng tám vừa qua, tình cờ tôi được đọc một bài viết trên báo Thể Thao Ngày Nay nói về cuộc đua hát nhạc Trịnh chưa có hồi kết của các ca sĩ, trong đó có đề cập đến hai Album nhạc Trịnh Công Sơn của tôi trong năm qua. Vì sự trân trọng đối với Cố Nhạc Sĩ Trịnh Công Sơn và những trăn trở với gia tài âm nhạc của ông, tôi quyết định phải viết đôi điều về những cảm nhận rất riêng của mình và về chặn đường đồng hành cùng với nhạc Trịnh trong những năm vừa qua để chia sẻ cùng bạn đọc.

Đã từ lâu, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn luôn có một chỗ đứng riêng rất trang trọng trong tim của người yêu âm nhạc. Dù ở trong hay ngoài nước và với thái độ chính trị nào đi nữa thì những lời ca của ông rõ ràng đã chinh phục lòng người. Trước 1975, đã có thế hệ ca sĩ Hà Thanh, Khánh Ly, Lệ Thu,… Sau này ở Hải ngoại là Khánh Hà, Tuấn Ngọc, Ngọc Lan, … Trong nước có Thanh Hải, Lan Ngọc, Cẩm Vân, … là những giọng ca đã ít nhiều thành danh từ nhạc Trịnh.

Đến thế hệ 7X, 8X của Thanh Lam, Hồng Nhung, Mỹ Linh, Trần Thu Hà hay gần đây như Quang Dũng, Phương Thanh, Đàm Vĩnh Hưng, .v.v.. Nhạc Trịnh quả thực đã biến đổi, quay cuồng muôn màu muôn vẻ như “Kính Vạn Hoa” trong thời kỳ quá độ của một nền văn hoá văn nghệ mang đậm hơi thở của nền kinh tế thị trường.

Cảm nhận về nhạc Trịnh thời nay cũng chia năm xẻ bảy theo nhiều xu hướng,. Những người nghe cũ chê trách ca sĩ ngày nay hát quá phản cảm, huyễn hoặc và đập phá các giá trị nhân văn vốn có của nhạc Trịnh. Trong khi người chuộng cái mới lại cho rằng cần phải thay đổi vì cảm thụ âm nhạc thời nay đã khác (!). Nhiều cuộc tranh luận gay gắt trên báo chí và các diễn đàn về việc yêu, ghét nhạc Trịnh. Có rất nhiều bài viết, khen, chê, bình luận, nhận xét quá đà và có cả những sự ác ý, bài trừ lẫn nhau của các fan-clubs. Nhạc Trịnh trong thời gian gần đây bỗng trở thành tâm điểm của dư luận và cả của những chuyện thị phi.

Tôi còn nhớ rõ câu trả lời ý nhị của Cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trên Báo Sóng Nhạc trong một cuộc phỏng vấn tại tư gia mà tôi được chứng kiến, lúc phóng viên hỏi ông cảm thấy thế nào khi nghe các ca sĩ trẻ ngày nay hát nhạc Trịnh : “...Có lẽ mỗi người đang hát theo cách hiểu riêng của họ. Đó cũng là điều thú vị khi nỗi lòng của một người được thể hiện qua những cảm nhận của nhiều người và điều đó càng làm cho âm nhạc của tôi thêm phong phú trong lòng công chúng. Đối với những ca sĩ trẻ thì thường phải giảng giải cho họ về nhiều điều, nhưng cũng chỉ có thể giải thích cho những người hiểu được mà thôi…”

Hành trình đi tìm “Chân-Thiện-Mỹ” trong nhạc Trịnh …

Từ sau ngày ông mất, những cảm nhận trong tôi như cứ vỡ òa theo ngày tháng cùng những khám phá thật tuyệt vời về một con người - mà mới hôm qua thôi vì quá gần gũi, thân tình nên ta đã không kịp nhận ra cái vĩ đại của một chữ “Tâm” đầy nhân bản và cái tinh khiết của một chữ “Tình” xuyên suốt trong gia tài âm nhạc đồ sộ ông để lại cho đời.

Từ cái đêm tiễn đưa cuối cùng ở Sài Gòn, tôi ngồi hát bên linh cữu Ông cùng với Hoàng Công Luận, Nguyễn Thanh Huy trong khi ông giám đốc khu Du lịch Bình Quới – Cao Lập đang khóc hồn nhiên như trẻ thơ. Đến suốt bảy tuần lễ sau đó anh em cùng sát cánh bên nhau làm các đêm tưởng niệm ở Hội Quán Hội Ngộ, Bình Quới. Một sân chơi âm nhạc hồn nhiên, du ca kiểu Trịnh đã dần dần được hình thành giữa lòng đời sống văn hóa còn bề bộn của Sài Gòn. Riêng tôi tự hứa với lòng mình sẽ âm thầm dấn thân trên hành trình đi tìm “Chân-Thiện-Mỹ” cùng nhạc Trịnh. Không dám dao to búa lớn như ông Nam Chi Đặng Tiến ở Pháp đòi “giải mã” một thiên tài (!), chúng tôi chỉ mong chia sẻ những cảm nhận về âm nhạc Trịnh Công Sơn trong những khả năng giới hạn của mình cho công chúng đồng điệu đó đây.

Thật bất ngờ khi Album đầu tiên “Về nơi cuối trời” thực hiện cùng nhiều thế hệ đệm, làm hết sức tài tử, vội vã cho kịp 100 ngày tưởng nhớ ông lại được công chúng đón nhận và đã vượt biên giới đi xa đến không ngờ. Rồi cuộc sống phiêu bạt khắp Châu Âu những năm sau này của một kẻ “làm công quốc tế” như tôi đã vô tình hỗ trợ rất nhiều cho việc liên kết, gặp gỡ biết bao bạn bè đồng điệu trong nhạc Trịnh : Hội Quán Hội Ngộ Trịnh Công Sơn ở Bình Quới đã đi vào hoạt động bài bản, định kỳ hằng năm; Một nhóm anh em tâm huyết của Đạo Trịnh lập ra Đồng Vọng, giữa những vườn cây trái ở Bình Dương; Rồi những người yêu nhạc Trịnh Công Sơn làm chương trình tưởng niệm ở Đại học Phú Xuân, ở Huế, ở Hà Nội ; Vươn tay dài cả ra hải ngoại đến Hội Văn Hóa Trịnh Công Sơn ở Paris, Lyon, Toulous, Cộng Hòa Pháp; Nhóm Việtnamiti và Thư Viện Trịnh Công Sơn đầu tiên và các đêm tưởng niệm ở các TP Torino, Verona, Milano, Ý; Có anh bạn Trịnh Công Long-Frank Gerke ở Đức; Còn cả Hoàng Lan – Hoa Vàng Một Thuở ở Toronto, Canada; Hoàng Trúc Ly với Website Sưu Tập-Trịnh Công Sơn ở Mỹ; Chị Dao Ánh và nhóm Hướng Dương ở Cali; .v.v.. Những con người xa lạ từ khắp phương trời bỗng trở thành thân quen, thương quý nhau như “chị em xẻ thịt” chỉ sau vài lần hội ngộ.

Tất cả chúng tôi dường như đều có cùng khao khát tìm đến với nhạc Trịnh để được ru dỗ mình. Phải chăng vì những lời ca và giai điệu đầy tính nhân văn của Trịnh Công Sơn đã hàm chứa những ấp ủ từ lâu trong tâm hồn người Việt chúng ta mà qua bao đau khổ, mất mát vẫn chưa có dịp tỏ bày. Như một anh bạn ở Ý đã nói, có lẽ chính Trịnh Công Sơn cũng không thể ngờ rằng âm nhạc của ông lại trở thành một cơ duyên cho biết bao sự hội ngộ của anh em, bạn bè khắp nơi trên thế giới. Qua mỗi cộng đồng tôi đã được tiếp xúc, mỗi cá nhân yêu ghét nhạc Trịnh tôi đã từng gặp, quả thật đã có quá nhiều dư âm của sự chia rẽ, hận thù và đố kỵ hôm qua. Chúng tôi cũng đã ngỡ ngàng nhận ra rằng “con đường âm nhạc” của Trịnh Công Sơn sao mà nhiều gian truân, đau khổ, như thân phận của một nàng Kiều trong nghệ thuật. Nhưng đứng trên tất cả là sự chinh phục rất rõ ràng của Nhạc Trịnh trong lòng công chúng. Âm nhạc của Trịnh Công Sơn vẫn luôn là một đại diện tiêu biểu cho thân phận và tâm hồn Việt, dù rằng tên tuổi và tầm ảnh hưởng của ông đã từ lâu vượt ra ngoài biên giới một quốc gia.

Thái Hòa
Đầu tháng 9, năm 2005.



nguồn: Nguyễn Hữu Thái Hòa
  Trịnh Công Sơn:
> bài hát
> bài viết
> hình ảnh
> phỏng vấn
> bút tích
> dòng thời gian

Những người mến mộ:
> những kỷ niệm
> bài viết
> tưởng niệm
> tin tức
> sách
> lưu bút

Khánh Ly


Phố Xưa


- 20 bài mới nhất



Một hình ảnh ngẫu nhiên:






Gia Sư: Gia Đình + Sinh Viên
 
Address: www.SuuTap.com/TrinhCongSon - Collection: Hoang Truc Ly - Design & script: Sony Ho