những kỷ niệm




Trịnh Cung - Trịnh Công Sơn và mối đồng cảm từ ''Thiên sứ''

--- Theo VietNamNet ---


Vậy là đã ngót 3 năm kể từ ngày Trịnh Công Sơn lìa bỏ cõi đời (1/4/2001). Hơn một năm trước khi mất, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã phổ nhạc bài thơ “Thiên sứ” của Trịnh Cung. Bài thơ là sự giao hòa tâm trạng giữa hai nghệ sĩ họ Trịnh, một vẫn còn, còn người kia đã bước vào cõi hư...

Trịnh Cung viết “Thiên sứ” không hẳn cho riêng Trịnh Công Sơn; trước hết, ông viết cho chính tình cảm nội thân, nhưng bài thơ đã khơi dậy những đồng cảm sâu xa trong nhạc sĩ.

Bài thơ là không gian nghệ thuật nuôi dưỡng ba nhân vật: chú chim - cái tôi trữ tình - và người con gái. Nhưng chỉ có hai tính cách bởi cái tôi trữ tình đã hòa nhập vào Thiên sứ (chú chim), tác giả xem chú chim như một Thiên sứ mang tình yêu đến cho nhân loại.

“Con chim về đậu bên người,
Là Thiên sứ đó, là tôi cũng chừng!”


Chú chim được “Thiên sứ” hóa rồi lại được nhân cách hóa thành chính tác giả. Trịnh Cung ẩn mình dưới bóng Thiên sứ để được gần người mình yêu. Trịnh Công Sơn cũng thế, bởi cuộc đời anh đâu chút ngọt ngào; có người nào anh yêu gần anh trong một thời gian dài? Huống hồ là vĩnh viễn... Nói một cách hình ảnh, tình yêu như một làn khói, những tưởng anh đã nắm chặt trong đôi tay gầy guộc, thế mà không biết lọt qua kẻ tay tự bao giờ... để rồi ôm nuối tiếc: “Nhìn những mùa thu đi, tay trơn buồn ôm nuối tiếc” (Nhìn những mùa thu đi).
Mạch ý tưởng của thi phẩm được tiếp nối:

“Vô tình em thả bâng khuâng
Tôi làm chim nhặt để phần mai sau.”


Hóa ra, chủ thể sáng tạo tự nguyện làm chim không phải để hót líu lo bên tai người con gái, đậu trên đôi vai hay mái tóc mềm của nàng, mà chỉ lặng lẽ “nhặt’’ những “bâng khuâng” mà nàng vô tình đánh rơi với mục đích “để phần mai sau”. Tình yêu đó có vẻ trẻ thơ nhưng thấm nhuần trải nghiệm cuộc đời: sự nâng niu, chắt lượm những nét đẹp ở người mình yêu không phải để thưởng thức trong giây phút hiện tại mà “để phần mai sau”, bởi biết đâu, trong khoảnh khắc em sẽ vuột khỏi tầm tay như làn khói. Sự tuyệt vọng có ý thức chăng?

Giây phút có nhau chỉ là khoảnh khắc, Trịnh Công Sơn hiểu và nhiều lần đớn đau về điều này. Nỗi nhớ trong anh lúc thì dịu dàng “Ngày mai em đi, biển nhớ tên em gọi về” (Biển Nhớ), khi thì thắt quặn, nhức nhối và gọi Người về trong nỗi hờn trách: “Trời còn làm mưa, sao em không lại?” và “...làm sao em biết bia đá không đau...” (Diễm xưa). Bia đá hãy còn biết đau, huống hồ con người...

“Thiên sứ” kết thúc cũng là lúc cái tôi trữ tình của bài thơ và chú chim (Thiên sứ) tách rời nhau. Thiên sứ về trời, còn chủ thể sáng tạo ngập tràn ước mơ, hy vọng ở lại “bên người tôi yêu”.

Cho đến cuối đời, Trịnh Công Sơn vẫn chưa thể biến mơ ước đó thành hiện thực cho chính mình. Anh vẫn một mình lẻ bóng, “...Bao nhiêu cô đơn vào tuổi này...” (Còn tuổi nào cho em). Nhưng anh đã kịp thổi vào “Thiên sứ” những giai điệu nâng những ước mơ về tình yêu trở thành hiện thực cho nhân loại.

Với thể thơ lục bát biến thể, cấu trúc gọn; “Thiên sứ” đã để lại những dư vị độc đáo trong lòng người đọc. Hai nghệ sĩ họ Trịnh, một họa sĩ-nhà thơ, một nhạc sĩ, một người vẫn còn và người kia đã khuất, cùng đồng cảm gặp nhau trong “Thiên sứ”.



nguồn: www.hue.vnn.vn
  Trịnh Công Sơn:
> bài hát
> bài viết
> hình ảnh
> phỏng vấn
> bút tích
> dòng thời gian

Những người mến mộ:
> những kỷ niệm
> bài viết
> tưởng niệm
> tin tức
> sách
> lưu bút

Khánh Ly


Phố Xưa


- 20 bài mới nhất



Một hình ảnh ngẫu nhiên:






Gia Sư: Gia Đình + Sinh Viên
 
Address: www.SuuTap.com/TrinhCongSon - Collection: Hoang Truc Ly - Design & script: Sony Ho