tưởng niệm




Cảm tình dành cho Trịnh Công Sơn

--- Bích Hà ---


Tôi sinh trưởng ở Huế, tuy không nói tiếng Huế, vì bố mẹ tôi đều là người Bắc. Nhưng sống ở đâu quen đó, tôi yêu sâu đậm những gì dính dáng đến Huế, như các món ăn của người Huế, đặc biệt nhất là món bún bò Huế cay chảy cả nước mắt, yêu phong cách từ tốn, hiền hòa, an phận của phần lớn phụ nữ Huế , và giọng nói rất riêng, tuy hơi nặng âm sắc nhưng rất trữ tình của con gái Huế, làm cho người đàn ông nào lỡ yêu họ, sẽ suốt đời nhớ nhung, không chỉ nhan sắc khả ái, mà còn vẻ dịu dàng hiền thục của đa số phụ nữ Huế ( không biết tôi có chút xíu nào được tính luôn, vào số phụ nữ Huế đó không?? !! Nếu được, thì quả là có phước biết chừng nào!). Tôi yêu luôn cả phong cảnh sông nước, đồi núi hữu tình, lăng tẩm đền đài cổ kính, trầm mặc. Những con đường đưa tôi đi học, với những hàng cây khuynh diệp lá xanh rợp bóng, hay hàng phượng vĩ, nở hoa rực rỡ mùa hè, rồi ủ rũ lặng câm im lìm, dưới những cơn mưa mùa đông dai dẳng, lạnh buốt, kéo dài cả tuần, lê thê không dứt.

Những cảm giác xa xưa, của mùa đông xám buồn, buốt giá, đi học hằng ngày, phải dầm mình dưới cơn mưa lạnh lẽo _ mưa bay lất phất, ngút ngàn trên những hàng cây lá nhỏ, trên những tầng tháp cổ kính rêu phong, mãi mãi để lại trong ký ức của tôi, những hình ảnh yêu dấu, day dứt khôn nguôi của môt thành phố, của môt thời thơ ấu cũ.

Và tôi, cũng như đa số người Huế khác, đều yêu thích nhạc Trịnh Công Sơn, tôi biết hát, hầu hết các bài hát nổi tiếng của ông viết, và với tinh thần địa phương , tôi còn hãnh diện có TCS tài hoa, nổi tiếng, nhưng là một người Huế tiêu biểu, trong phong cách cư xử khiêm tốn, bình dị, rất Huế của ông .

Nhạc của TCS , được lớp trẻ sinh viên, học sinh yêu chuộng, trong số đó có tôi, đã từng yêu thích, đã hát và nghe hát những bài của ông viết đến quen tai, rồi thuộc lòng những giai điệu, giản dị, êm ả đó, ghi sâu vào trong tiềm thức từ hồi nào không biết.

Sống lâu ở đất lạ quê người, đôi khi tưởng mình đã thay đổi nhiều, đã quen với cảnh tiện nghi, hào nhoáng "nhà cao cửa rộng", " lên xe , xuống ngựa", trái tim đã mệt mỏi cạn khô dần, đã trở nên ơ thờ với những rung động nhẹ nhàng , những cảm xúc về người xưa và thành phố cũ đầy trìu mến, mộc mạc, thân quen, tưởng như cũng đã dần dà theo thời gian chìm vào quên lãng. Nhưng rồi khi bất chợt, nghe câu hát :" đại bác đêm đêm dội về thành phố, người phu quét đường, dừng chổi đứng nghe", tôi lại bàng hoàng thổn thức, nghe âm vang day động, ký ức về một thành phố cũ, đầy những tiếng đại bác ầm ì của hàng tấn bom đạn, đổ xuống hàng đêm không ngớt, vọng lại từ những dãy núi Trường sơn xa thẳm, trùng điệp .

Chỉ có những ai từng sống ở Huế, chính tai nghe được những gì rất thật, trong lời của TCS viết, mới thấy thấm thía, khâm phục, người nhạc sĩ tài ba, đã vẽ được một bức họa thực tại về chiến tranh rất sống động, sâu sắc: " Chiều đi lên đồi hoang, hát trên những xác người" Và " Xác nào là em tôi? trong hố hầm nầy, bên xác người già yếu, có xác còn thơ ngây". Những dấu tích tang thương của bom đạn lửa máu, những chứng nhân thảm khốc, hình ảnh dã man, tang tóc về mồ chôn tập thể, đã được TCS vẽ lại trung thực, thấy sao, vẽ vậy, không thêm bớt, dấu giếm hoặc thiên vị bất cứ ai, về chuyện thực sự, đã xảy ra. Phải chăng, đây là tính thành thật, bộc trực của Sơn? Khi mà con người, sống trong thế giới đầy chiến tranh, hận thù và chết chóc, ai nấy cũng có một mối giận dữ, bất mãn, tiềm tàng trong trái tim mình, về thân phận đất nước và những điều xảy ra chung quanh, khiến cho họ dường như lúc nào quay quắt, buộc người khác, phải rạch ranh giới rõ rành của phe nọ hay phe kia ! Chứ không được điềm nhiên tọa thị , lửng lơ con cá vàng .

Ít ra đối với tôi, trong những bài hát như thế này, ông đã thay cho mọi người dân Huế, vẽ một bức họa chiến tranh bằng âm nhạc, dưới con mắt và nỗi niềm của người dân Huế bình thường, ghi lại câu chuyện về một thành phố, đang phải trải qua và đang khốn khó, trăn trở sau biến động lớn Mậu Thân, đầy đau thương, tang tóc .

Năm 1977, tôi trở về ghi danh học lại, ở trường Quốc gia âm nhạc Huế ( trước đó tôi theo học classic guitar ) và được chuyển qua học thanh nhạc vì thấy tôi hát khá và có lẽ vì dung mạo cũng khá dễ coi. Lúc đó, trường đã mở mang, dạy thêm nhiều bộ môn mới như: đàn tam thập lục, sáng tác, thanh nhạc,sáo...

Tôi có vài lần gặp TCS, lần đầu tiên ở nhà người quen tên là M. Ð., anh vừa tốt nghiệp môn sáng tác từ Nhạc viện Hà Nội và được cử vào Huế dạy (anh ta làm quen với tôi khi tôi theo trường Nhạc Huế , ra Hà nội diễn ) TCS tới, lúc tôi đang ngồi một góc, tréo chân ôm đàn hát bài Tình xa của Sơn. Dáng người Sơn ốm nhom, thấp bé, mang gương trắng, râu ria lún phún, dáng dấp nom rất bình thường, giản dị ( kể cả cách của anh ăn mặc, cũng vậy ) . Anh có vẻ rất xúc động thực sự, khi nghe tôi hát những bài nhạc tình, lúc bấy giờ đang bị cấm, của anh viết .

Tôi hơi ngạc nhiên vì không biết trước sự có mặt của Sơn, anh nói chuyện rất bình dị down to earth, không có vẻ gì là tự cao, lên mặt ta đây self -important, điều mà tôi thường thấy, nơi những người quá nổi tiếng. Anh cũng tỏ vẻ ngạc nhiên để biết tôi (vì Sơn trước đó sinh sống ở Sàgòn, còn tôi chỉ là cô bé mới lớn , thua anh trên dưới hai chục tuổi) Anh hỏi han tôi rất ân cần khen tôi hát hay. Lời khen của anh bình hoà chân thật, không như một xã giao thường lệ, hay những lời lịch sự, khách sáo nịnh đầm của nhiều người đàn ông khác, mà tôi đã thường được nghe, và đó dường như là cá tính đặc biệt của Sơn mà tôi được biết sau đó .

Hôm đó ngoài Sơn, M. Ð. , KYên , Phú Yên (nhạc sĩ viết bài "đêm nay có thuyền em đi , thuyền em đi giữa nơi giòng sông" khá phổ biến trước 75) họ đều là nhạc sĩ đang học thêm sáng tác, số còn lại đều là ca sĩ (đang học ở Nhạc viện Hà nội , bạn học cũ cùng trường của M. Ð. như Ái Vân , Lệ Quyên (sau này hát cho Thuý Nga) Quang H. Quang T. ).. họ theo ban văn nghệ trung ương Hà nội, đến Huế trình diễn .

Mấy hôm sau, ghé thăm Lệ Quyên và các bạn, sau khi họ diễn xong vẫn còn ở lại hội quán, để chờ vào Ðà Nẵng diễn tiếp. Tôi lại tình cờ gặp lại Sơn, với tư cách thay mặt hội Văn nghệ Bình Trị Thiên, mang hoa đến tặng cho phái đoàn Văn nghệ trung ương, và những câu nói TCS nói với họ hôm đó, đã làm tôi càng thêm kính trọng sự cương trực, thẳng thắn của anh.

Anh và tôi, cũng đã xem họ trình diễn. Tôi thì mấy năm nay, cứ nghe các loa truyền thanh gắn ngay trên cột điện, trước mặt nhà, ngày nào từ tờ mờ sáng , cũng hú lên chói tai những bài như : "Bóng cây khơ nia, Tiếng chày trên sóc bom bo ".., nghe riết mãi hoài cũng đã quen, không còn thấy khó chịu nữa .

Nhưng Sơn, thay mặt cho Hội văn Nghệ Bình Trị Thiên khi mang hoa tới tặng, thay vì lịch sự nói mấy câu khen lấy lệ, vô thưởng vô phạt, hoặc im hơi lặng tiếng, như muôn vàn người khác, cứ nhắm mắt ừ à, qua cầu cho rồi công việc: "ăn cơm của Chúa, phải múa tối ngày ".

Sơn đã không làm như vậy, anh đã lên tiếng chỉ trích và chê bai kịch liệt, trước mặt cả phái đoàn. Anh chê nào là tiết mục tấu nói (hài hước) dở, vô duyên không thể nào sánh kịp với các nghệ sĩ miền Nam như Thanh Việt, Phi Thoàn, nào là bài hát do vị giáo sư dạy thanh nhạc của Nhạc viện Hà nội hát ( thầy của Ái Vân, lâu quá tôi quên mất tên), đã trình bày rất tệ, điệu bộ quá kỳ cục, nhố nhăng, khiến anh không thể nào chấp nhận được (chả là vì, ông hát một bài gì đó về một con gà trống, và cứ thế trên sân khấu, lúc thì ông ra sức giang tay đập cánh, lúc thì quay cuồng, loay hoay, y như một con gà trống thực sự).

Sơn tuyên bố dứt khoát, không ngập ngừng, nhân nhượng đắn đo, rằng nền âm nhạc và nghệ thuật của Hà nội, không thể nào so sánh được chút nào với miền Nam cũ. Lúc đó mọi người đều im lặng, ngậm đắng nuốt cay, trước "lời thật rất mất lòng" của Sơn, tôi biết chắc, những người trong phái đoàn, tuy là đặc trách về văn nghệ, nhưng toàn là đảng viên cộng sản thứ bự vì cộng sản thường tuyên dương, văn nghệ sĩ là "chiến sĩ mặt trận văn hóa". Mấy lời Sơn nói, thế nào cũng bị báo cáo với cấp trên như bằng chứng của một sự ngoan cố, vì trí óc Sơn , rõ ràng chẳng tí ti nào, được cải tạo, tẩy não, như ý họ muốn.

Sơn có lẽ được làm ở Hội nghệ sĩ, như môt thứ bù nhìn, cần thiết vào lúc ấy, để chính quyền đương thời, rêu rao với thiên hạ, về chính sách chiêu hiền đãi sĩ, giả nhân giả nghĩa của họ.

Lúc đó cả nước đều đói rách, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc nhưng những buổi văn nghệ, đá bóng, chiếu phim càng được tổ chức hào hứng rầm rộ, liên tục ở khắp mọi nơi, dường như để ru ngủ thanh niên, dân chúng, để họ quên đi chuyện tranh đấu, và sự đói kém.

Thỉnh thoảng tôi cũng được mời qua hát cuối tuần ở sân khấu lộ thiên , trong sân của cung An Ðịnh, bên cạnh dòng Chúa Cứu thế là nơi ở cũ của bà Thái hậu Từ Cung.

Một hôm, cô MC vượt biên bị bắt, tôi là người được nhờ vả làm thế ít lâu, công việc của cô, gồm có việc mời ca sĩ và sắp xếp bài hát, để lên danh sách cho buổi trình diễn. Lúc đưa danh sách bài hát cho họ duyệt trước lúc trình diễ , tôi mới biết, tất cả những bài hát của Sơn viết (sau 75), mà ca sĩ đã chọn hát, đều bị bắt buộc phải đổi bài khác, hay nói đúng hơn, là bị cấm không được hát.

Tôi theo học trường Nhạc cũng chẳng được bao lâu, năm sau, khi trường chuyển qua chính sách chính qui, có trợ cấp định chế mỗi tháng thì tôi bị cho nghỉ vì lý lịch xấu, lý do: cha tôi là sĩ quan miền Nam cũ, đang còn bị nhốt trong trại học tập cải tạo. Em gái út xinh đẹp, duy nhất của tôi, ba năm liền, thi tú tài đều đỗ đầu, toàn tỉnh Bình Trị Thiên, vẫn bị họ từ chối, không cho ghi danh ở bất cứ trường đại học nào (cô hiện nay đã tốt nghiệp Dentistry from Sydney University và đang làm việc tại Úc). Anh trai tôi tốt nghiệp đại học Sư phạm, cũng không được cho phép thực tập (anh hiện là Electronic Technician).

Cũng may vì thế, mà tôi đã dứt khoát vượt biên, vì gia đình tôi không thể nào sống được và đã không được cho phép có cơ hội để sống, ở đất nước thân yêu của chính mình. Ở nước Việt Nam từ ngàn xưa đến giờ, người dân đâu có được hưởng trợ cấp an sinh xã hội, không cần làm lụng gì hết, mà vẫn lè phè sống vui, sống mạnh như người dân của đất nước Úc kỳ lạ này!

Không cho đi học, không cho đi làm, vào lúc thời buổi kinh tế cực kỳ khó khăn ấy, là đồng nghĩa với một bản án tử hình treo ngoắc ngoải trên đầu trên cổ, đối với thân nhân, gia đình của những người sĩ quan cũ, những người đã mang bản án tù khổ sai chung thân, bị giam vô hạn định, không báo trước ngày về.

Qua sống ở đất lạ quê người, bao năm nay, tôi nghe nhiều người nhắc đến tên TCS như một kẻ phản bội, ăn cơm quốc gia, thờ ma cộng sản, tôi rất buồn cho Sơn, thương hại cho thiên tài của đất nước, chẳng may sinh ra, vào một đất nước Việt Nam khổ ải, đầy chiến tranh thù hận, mà bổn phận của người nghệ sĩ như anh, là phải ghi lại những cảm nhận, những rung động mà người khác không nhìn thấy, phải nói lên những điều, mà người khác đã không dám nói, trong tác phẩm của họ. Tôi chỉ là người tình cờ được biết TCS, dù suốt quãng đời niên thiếu tôi đã yêu say mê, thuộc lòng những dòng nhạc bất hủ của anh.

Nay TCS đã qua đời, nghĩa tử là nghĩa tận, tôi đã coi thường phê phán của mọi người (nếu có) để nhiều lần đến hát và tham dự những buổi hát tưởng niệm anh. Và tôi luôn luôn muốn, hết thảy những câu chuyện, hình ảnh, cảm tình đẹp đẽ cũ về TCS, cứ mãi mãi giữ nguyên như vậy, trong ký ức về một Huế tội nghiệp , thân thương đầy yêu dấu của tôi.

Bích Hà

Nguồn: http://www.giaomua.freehomepage.com/GM11Unicode.html#CTD






nguồn: Hư Vô
  Trịnh Công Sơn:
> bài hát
> bài viết
> hình ảnh
> phỏng vấn
> bút tích
> dòng thời gian

Những người mến mộ:
> những kỷ niệm
> bài viết
> tưởng niệm
> tin tức
> sách
> lưu bút

Khánh Ly


Phố Xưa


- 20 bài mới nhất



Một hình ảnh ngẫu nhiên:






Gia Sư: Gia Đình + Sinh Viên
 
Address: www.SuuTap.com/TrinhCongSon - Collection: Hoang Truc Ly - Design & script: Sony Ho