tưởng niệm




Trịnh Công Sơn Tản mạn

--- Bao Bất Đồng ---


Bống vội vàng đi xa lìa quê nhà,
... xa lìa vườn xưa
Ngày xưa ngần ngại xõa tóc trên vai
... ngày xưa ngần ngại
Hư vô bống về câu thề đã phai
Trời như nhỏ lại ..."


Tôi nghe nhạc của anh từ lúc còn rất trẻ, chắc có lẽ tại vì mấy anh chị của tôi cũng nghe và mê nhạc của anh. Hay tại vì cái mớ dây mơ rễ má, hay những bức tranh tĩnh vật pha chút trừu tượng trong những bài nhạc, bài viết? Không biết nữa, chỉ biết tự lúc nào lâu lắm, những những bài tình ca anh viết đã ở lại trong tôi, những bài tình ca viết dễ như "lấy chữ từ trong túi ra" (NXK).

Theo người anh rể, tôi đến ngôi nhà đó, lòng hồi hộp khó tả. Tối, có cái vẻ huyền hoặc đến lạ, văng vẳng tiếng mõ từ đâu đâỵ Khi Khánh Ly viết trong "Bên Đời Hiu Quạnh" về cái người mà cô mới gặp, "mặt trái xoan, sống mũi cao, đeo kính dày cộp ..." gì đó, có nhiều người đã cười. Tôi cũng có lần đã cười khi đọc đoạn đó, nhưng không phải vì đồng quan điểm với những người khác. Đơn giản, vì tôi đã gặp anh, tuy không hoàn toàn như cô Khánh Ly tả, cũng từa tựa là thế. Tuy nhiên, phải công nhận cái đặc biệt nhất ở anh là nụ cười, vừa có cái vẻ hiền hậu của một người anh lớn, vừa có cái nét hơi e ngại của một người chuyên sống với nội tâm. Thì ra là vậy, ngôn từ phản ánh con người, bảo làm sao lời nhạc anh viết chẳng lắng sâu, nhẹ nhàng, cứ như là triết lý.

Hôm qua nghe tin anh mất, tôi lặng người đi khá lâu. Biết anh lâm bệnh cũng đã một thời gian rồi, cái biến cố vẫn còn làm tôi tức thở. Mới đây thôi, Sĩ Phú đi, rồi Lê Uyên Phương cũng đi. Giờ đến anh, những cây đại thụ trong vườn âm nhạc Việt theo nhau ra đi. Lớp trẻ rồi sẽ lớn lên, nhưng chẳng biết có kế tục nổi cái sự nghiệp các anh để lại hay không, khi cái gia tài quá lớn, cả "một nước Việt buồn" lận đó. Người đi, kẻ ở lại, "vui buồn hội ngộ trong kiếp con người" là vậy, biết mà vẫn không cầm được nỗi đau ứa ra. Biết làm gì hơn, tôi chúc anh và tất cả những người đã ra đi được yên nghỉ nơi cuối trời quên lãng...

Giòng nhạc đi qua, âm hưởng đọng lại trong mỗi con người. Nhạc TCS đọng lại trong tâm tưởng khán thính giả không chỉ ở giai điệu. Nói đúng hơn (như ai đó đã nói), lời nhạc của anh ở lại lâu hơn. Cho nên cái nguyên bản của ngôn từ trong nhạc anh quan trọng lắm, như chính anh đã nói, "tại răng mà người ta cứ muốn sửa chữ của tác giả! " Hôm nay nhớ đến anh, tôi muốn lan man viết ra đây một vài ý tưởng, mong được anh đón nhận như tấm lòng của một người em nhỏ.

… "Mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cô?
Dài tay em mấy thuở mắt xanh xao … "
Nếu nghe nhạc Trịnh Công Sơn bằng từng chữ, chắc hẳn thiên hạ sẽ thấy nhiều nghịch cảnh lắm, cái gì mà "dài tay em mấy thưở mắt xanh xao" nghe giống … ma quá đi thôi. Thế mà người ta vẫn yêu nhạc của anh, vì không ai nên "ngộ" âm nhạc theo kiểu "từ chương" như vậy hết. Thế nhưng, vẫn có nhiều trường hợp đã khiến cho anh bật cười, tôi bật cười, và bao nhiêu người bật cười rồi đó, chẳng phải vì họ ngây ngô hay mình ngây ngô mà tại vì tính người Việt Nam mình vốn vậy, chỉ muốn hiểu những gì ... mình thích hiểu. Ngay ở trong bài trên cũng có một đoạn mà không ít người vẫn còn hãy cứ mơ hồ, nhất là khi hát. "Chiều nay còn mưa sao em không lại, nhỡ mai trong cơn đau vùi làm sao có nhau..." Cái ý tưởng của người nhạc sĩ tưởng đã quá rõ ràng ở đó, "nhỡ mai" nghe chừng như trách móc, chừng như luyến tiếc. Đúng rồi, "nhỡ mai trong cơn đau vùi làm sao có nhau", hoàn chỉnh quá đi chứ. Vậy mà khi hát, vì âm điệu cũng được, vì biến tấu cũng được, nghe cứ như là "nhớ mãi trong cơn đau vùi, làm sao có nhau". Nhớ mãi trong cơn đau vùi thì ổn, nhưng rồi ghép chung với làm sao có nhau thì cứ như là thiếu hụt một vế nào đó. Đến lúc chép tay ra cho nhau người ta cũng đánh y như vậy, "nhớ mãi trong cơn đau vùi...", thậm chí có cả một nhà xuất bản in sách nhạc như vậy mới khổ. Nghe qua thì cũng vui, nhưng nói thiệt, có chút gì đó chẳng được như ý.

Mấy mươi năm sau, anh cho ra một hiện tượng, bài hát "Một Cõi Đi Về" được người ta đua nhau hát trong băng nhạc, trong biểu diễn, và ngay cả trong ... ngày đám cưới nữa. Thây kệ, bài hát là bài hát, dịp nào cũng là dịp, mà bài hát đó nghe như cao siêu, lọt vào lỗ tai này ra lỗ tai kia, cũng chẳng khóc than em đi lấy chồng anh về lấy vợ gì ráo, ngại gì. Chỉ là cái khổ cuối đã làm không biết bao nhiêu người tranh cãi, có lẽ chỉ có chính nhạc sĩ là không ... buồn cãi. Cái "ngọn gió hoang vu thổi suốt xuân thì" lại là cái gì đây ở anh, nghe qua thì được, nghe lại thì hoàn toàn không ổn. Ai lại để cái ngọn gió hoang vu kia thổi xuyên suốt cả xuân thì, còn gì là ấn tượng nữa. Xin thưa rằng, nguyên văn phải là "thổi buốt xuân thì" cơ, cái ngọn gió đó làm lạnh thêm, cô đơn hóa hình ảnh của tuổi xuân thì, siêu thực theo phong thái Trịnh Công Sơn vậy mới phải. Nhân đây cũng nói luôn thể, khi nghe cô Thanh Lam hát "Một Cõi Đi Về" lần đầu tiên, trời nóng như thiêu bên ngoài mà tôi cũng đã rùng mình đấỵ Gớm cái nhà cô này đầy sáng tạo, cứ hú lên như là đồng bào vùng cao gọi nhau đi ra rẫy, khổ kết lại đưa vào cái gì là "...hôm nay ta xây ...." nghe chẳng ăn nhập vào đâu. Eo ôi, tôi cũng là thính giả mà phản ứng đã vậy, anh nghe qua rồi không biết có buồn không?

Viết về nhạc Trịnh Công Sơn, có lẽ mất cả năm trời vẫn không hết, thôi tôi không dám nhiều chuyện. Nếu có gì muốn nói, có lẽ chỉ xin đề đạt một cảm nhận của chính mình. Ca sĩ của chúng ta vẫn vậy, lúc lên hát hay lúc thâu băng, quên chữ nào thì phăng ra chữ đó để "hát lấp", vô tình một truyền mười, mười truyền trăm, nguyên tác khi đã truyền lưu một thời gian trở thành một phiên bản khác. Dĩ nhiên người hát không để ý và không cố ý, nhưng biết đâu đã làm người nhạc sĩ buồn lòng. Thành thử, việc truyền bá văn hóa, ngay cả thông tin, nên có một đôi phần trách nhiệm là vậy đó. Và để kết, tôi cũng xin đăng lại bài "Nối Vòng Tay Lớn", một tuyên ngôn của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn...

... Rừng núi dang tay nối lại biển xa, ta đi vòng tay lớn mãi để nối sơn hà. Mặt đất bao la, anh em ta về, gặp nhau mừng như bão tố quay cuồng trời rộng, bàn tay ta nắm nối liền một vòng Việt Nam....
Cờ nối gió đêm vui nối ngày
Dòng máu nối con tim đồng loại
Dựng tình người trong ngày mới
Thành phố nối thôn xa vời vợi
Người chết nối linh thiêng vào đời
Và nụ cười nối trên môi.
Từ Bắc vô Nam nối liền nắm tay, ta đi từ đồng hoang vu vượt hết núi đồị Vượt thác cheo leo, tay ta vượt đèo, từ quê nghèo lên phố lớn, nắm tay nối liền biển xanh, sông gấm ... nối liền một vòng tử sinh ...


Bao Bất Đồng



nguồn: www. vnenterprise.com
  Trịnh Công Sơn:
> bài hát
> bài viết
> hình ảnh
> phỏng vấn
> bút tích
> dòng thời gian

Những người mến mộ:
> những kỷ niệm
> bài viết
> tưởng niệm
> tin tức
> sách
> lưu bút

Khánh Ly


Phố Xưa


- 20 bài mới nhất



Một hình ảnh ngẫu nhiên:






Gia Sư: Gia Đình + Sinh Viên
 
Address: www.SuuTap.com/TrinhCongSon - Collection: Hoang Truc Ly - Design & script: Sony Ho